(Tin Nóng) Chỉ vì cơ quan chức năng chậm trễ giải quyết cho nghỉ việc mà cô giáo Nguyễn Thị Kim Huyền (Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM) bị mất khoản tiền trợ cấp thôi việc.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: D.Đ.M
|
Cô Nguyễn Thị Kim Huyền, giáo viên môn Công nghệ, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Q.10 (TP.HCM) cho biết: Tháng 6.2013, sau 32 năm công tác, do mẹ ruột già yếu, bệnh tật, sức khỏe không đảm bảo để đứng lớp nên cô xin được nghỉ dạy.
Hồ sơ đã được hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương và Phòng Giáo dục Q.10 chấp thuận; nhưng qua Phòng Nội vụ và UBND Q.10 thì bị “ách” lại.
Ngày 21.6.2013, Trưởng phòng Nội vụ Q.10, ông Nguyễn Thế Khang gửi thư mời cô Huyền đến trao đổi. Tại đây, cán bộ phòng Nội vụ lấy lý do chưa có giáo viên thay thế nên đề nghị cô tiếp tục đứng lớp, chờ ý kiến của lãnh đạo quận.
Gần 6 tháng sau, ngày 6.12, chủ tịch UBND Q.10 Nguyễn Văn Lưu mới ra văn bản giải quyết khiếu nại của cô giáo Kim Huyền, không chấp thuận cho thôi việc, với lý do: “Vì hiện nay đội ngũ giáo viên của quận vẫn còn thiếu, số lượng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu”. Công văn nêu rõ: “Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế, đề nghị bà Huyền tiếp tục công tác tại đơn vị cho đến thời điểm nghỉ hưu”.
Tuy nhiên, trước đó ngày 9.8.2013, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã điều cô Nguyễn Thị Thìn về dạy thay thế và đứng lớp từ đầu năm học đến nay.
Theo cô Huyền, việc phải bắt buộc tiếp tục đứng lớp trong thời gian này khiến cô gặp nhiều khó khăn do mẹ già đang bị bệnh, bản thân sức khỏe không đảm bảo. Tuy nhiên, hậu quả trước mắt là quyền lợi cống hiến 32 năm của cô bị thiệt hại quá nhiều. Cô Huyền bức xúc: Nếu được cho nghỉ việc trước khi nghỉ hưu, cô sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc mỗi năm công tác nửa tháng lương, tương đương gần 120 triệu đồng. Tại trường THCS Nguyễn Tri Phương đã có 2 trường hợp được giải quyết theo diện này và đã nhận tiền.
Trao đổi với PV Tin Nóng, một cán bộ Sở Nội vụ TP.HCM cho biết: Việc chi trả trợ cấp thôi việc chỉ áp dụng cho cán bộ viên chức vào thời điểm trước ngày 31.12.2008. Còn từ 1.1.2009 về sau, thời gian công tác của đương sự sẽ được BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Mới đây, cô Huyền cho biết vừa nhận quyết định chính thức nghỉ hưu theo chế độ bắt đầu từ ngày 1.3.2014 (đúng theo chế độ nghỉ hưu của cô). Như vậy, cùng một chính sách nhưng đồng nghiệp của cô Huyền thì được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, còn cô thì… trắng tay?
“Tôi không đồng ý với các quyết định của UBND Quận 10. Vì điều 29 Luật Viên chức có nói rõ: “Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày”. Tôi đã báo cáo trước cho hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương và Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo hơn 45 ngày theo qui định. Vì vậy, các đơn vị này phải giải quyết chế độ thôi việc cho tôi theo đúng luật định”, cô Huyền bức xúc.
Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31.12.2008 trở về trước được tính như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP
|
Bài, ảnh: Lê Công Sơn
>> 13.200 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp
>> Từ 1.7, tăng 9,6% lương hưu, trợ cấp BHXH
>> Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 30%