100% mẫu nước đá do Báo Thanh Niên chủ động phối hợp lấy mẫu khảo sát đều cho kết quả nhiễm vi khuẩn, trực khuẩn mủ xanh.

Cả 5 mẫu nước đá viên đều nhiễm khuẩn - Ảnh: Thanh Tùng
|
Cuối tháng 11 vừa qua, Báo Thanh Niên phối hợp với các chuyên viên của Trung tâm sắc ký Hải Đăng TP.HCM (đơn vị về kiểm chuẩn các loại chỉ tiêu trên thực phẩm, nước...) lấy mẫu nước đá ngẫu nhiên để khảo sát mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Chúng tôi lấy mẫu một cách ngẫu nhiên ở 5 cơ sở khác nhau, tại 5 quận, gồm đại lý nước đá trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3), quán cà phê (đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5), quán ăn (trên đường Hòa Hảo, Q.10, trước một cơ sở khám chữa bệnh), nhà hàng quán nhậu ở P.Bến Thành, Q.1, và tiệm tạp hóa trên đường Lê Văn Lương (Q.7).
Nước đá được lấy mẫu gồm đá viên loại nhỏ (dùng cho cà phê, nước giải khát) và loại viên to, dài (thường dùng uống bia).
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 5/5 mẫu nước đá đều không đảm bảo ATVSTP. Cụ thể, mẫu nước đá lấy ở một quán cà phê trên đường Phan Văn Trị (Q.5) nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột Coliforms lên đến 2,3 x 102 (trong khi quy định bắt buộc đối với chỉ tiêu của nước đá thì loại vi khuẩn này không được phép hiện diện). Và nhiễm vi khuẩn đường ruột khác là Escherichia coli 1,8 x 102 (theo quy định cũng không được có).
Ngoài ra, mẫu nước đá tại đây còn nhiễm cả trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas 3 lần (quy định không cho phép hiện diện). Mẫu nước đá ở quán ăn trên đường Hòa Hảo (Q.10) cũng bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas khoảng 5x101.
Mẫu nước đá (loại dùng uống bia) lấy ở nhà hàng quán nhậu tại Q.1 thì cho kết quả nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột Coliforms với số lượng 1,5 x 101, và nhiễm trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas là gấp 3 lần. Mẫu nước đá (cũng loại dùng uống bia) lấy tại đại lý nước đá thì nhiễm đến 3 loại gồm, Coliforms lên đến 2,5 x 101, Escherichia coli 2,0 x 101, và trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas 1,1 x 102 . Mẫu nước đá ở tiệm tạp hóa (Q.7) thì nhiễm Coliforms 1,5 x 101, và Pseudomonas 1,5 x 102.
Theo chuyên gia Huỳnh Ngọc Trưởng (Phòng Kiểm nghiệm vi sinh, Trung tâm sắc ký Hải Đăng): với nước bị nhiễm một trong những vi khuẩn hay trực khuẩn nói trên đều không đảm bảo ATVSTP theo quy định. Với trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas, thường chúng sẽ gây “bệnh cơ hội”, làm nặng thêm với một số bệnh có sẵn trong cơ thể.
Chẳng hạn, với người bệnh tim có gắn van tim nhân tạo, Pseudomonas sẽ làm hư van; người đang bị viêm phổi thì làm triệu chứng bệnh nặng và dai dẳng hơn; gây viêm đường hô hấp, áp xe...
Còn với hai loại vi khuẩn Coliforms và Escherichia coli sẽ gây bệnh đường ruột, làm rối loạn tiêu hóa, ói mửa, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa... Mức độ nhiễm càng lớn thì nguy cơ gây bệnh càng cao và càng nặng.
Thanh Tùng
>> Cả nước đã “sạch” dịch cúm gia cầm
>> Metro bị phạt vì bán thịt nhiễm khuẩn
>> Ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn đầu tiên ở Long An
>> Vụ gần 400 người ngộ độc ở Quảng Trị: Do bánh mì nhiễm khuẩn
>> Hoàn tất việc thu hồi sữa nhiễm khuẩn
>> Phát hiện bánh trung thu nhiễm khuẩn
>> Phát hiện nước uống đóng chai nhiễm khuẩn