Bệnh nhân nhập viện do cơn tăng huyết áp kịch phát, do đột quỵ đã tăng rõ rệt trong những ngày rét đậm vừa qua tại Hà Nội.
Chen lưng trong bệnh viện
Tại Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội những ngày này liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu do sự cố tim mạch. Thông thường các năm qua, sau tết, BV thường tiếp đón các bệnh nhân mạn tính đến khám, nhận thuốc định kỳ nhưng sau kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ vừa qua, số bệnh nhân cấp cứu và nhập viện do bệnh lý tim mạch tăng cao.
Thống kê của Khoa Cấp cứu BV Tim Hà Nội, trong những ngày rét đậm tăng khoảng 10 - 20% so với thời điểm thời tiết ổn định với khoảng 30 - 40 ca cấp cứu do bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp kịch phát, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim) mỗi ngày. Có khi chỉ trong vòng buổi sáng đã có 13 - 16 trường hợp vào cấp cứu.
Tại Viện Tim mạch quốc gia, BV Bạch Mai, liên tục mỗi ngày 200 - 300 bệnh nhân đến khám, cấp cứu, hàng chục bệnh nhân nhập viện. Khu vực điều trị bệnh nhân nặng cũng đã phải nằm ghép 2 - 3 người/giường bệnh.
“Nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch não tăng lên ở bệnh nhân có bệnh tim mạch khi thời tiết nóng - lạnh đột ngột. Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân bị huyết áp cao kịch phát (nguy cơ rất cao gây đột quỵ, tai biến mạch mãu náo) còn khá trẻ, 35 - 40 tuổi. Thậm chí có những trường hợp dưới 25 - 30 tuổi”, TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết.
Tại Khoa Cấp cứu của Viện Tim mạch đang điều trị cho hai bệnh nhân nam 27 tuổi và 21 tuổi cùng phải cấp cứu do suy tim cấp. “Với bệnh nhân sẵn có bệnh lý tim mạch, bất thường thời tiết (rét đậm) là yếu tố khiến bệnh tăng nặng”, TS Lợi lưu ý. Theo chuyên gia, rét đậm, trở rét đột ngột khiến bệnh nhân suy tim có thể xuất hiện đợt suy tim cấp, rất nguy hiểm cho tính mạng; bệnh nhân tăng huyết áp xuất có thể xuất hiện cơn cao huyết áp kịch phát gây vỡ mạch máu não, đột quỵ.
Rét đậm nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch
TS-BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội chia sẻ thêm: “Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong do bệnh tim mạch ở thời điểm tháng 12 và 1 (mùa đông) cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 (mùa hè). Đáng lưu ý, tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với các tháng mùa hè”.
Theo bác sĩ Tuấn, nhiệt độ thời tiết ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Huyết áp mùa đông (thời điểm nhiệt độ xuống thấp) tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5 mmHg. Sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch trong mùa đông.
“Đáng lưu ý, các bệnh nhân mắc bệnh lý về huyết áp, tim mạch ở người trẻ tăng lên rõ rệt khiến cho các trường hợp bị các tai biến, đột quỵ cũng trẻ hơn, có những người độ tuổi 40, 50 trong khi trước đây thường chỉ gặp ở những người từ ngoài 60 tuổi”, TS Đỗ Doãn Lợi nhận xét.
TS Lợi lưu ý, cần giữ ấm, tránh lạnh đột ngột gió lùa khi mùa đông, đặc biệt những ngày rét đậm, việc này giúp cho mạch không bị co thắt đột ngột gây tăng huyết áp. TS Lợi khuyên: “Thể dục tốt cho tim mạch nhưng cần duy trì lâu dài, phù hợp với thể trạng và thời tiết, không nên tập ở ngoài khi sáng sớm. Nếu đã có bệnh lý tăng huyết áp cần duy trì chế độ uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ, luôn giữ ấm cơ thể”.
Liên Châu
Ảnh: Shutterstock
>> Việt Nam: Mỗi năm 200.000 người tử vong do đột quỵ
>> Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đột quỵ tại nhà riêng
>> Tiếng ồn máy bay làm tăng nguy cơ đột quỵ
>> Ngừa đôt quỵ do nắng nóng
>> Nắng nóng kéo dài: người già đột quỵ, trẻ em tiều tụy
>> Bà mẹ 7 con tử vong sau đột quỵ