Rối loạn giấc ngủ không chỉ khiến người bệnh căng thẳng, mệt mỏi, trí nhớ kém, làm việc kém hiệu quả mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng nguy hiểm
Đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, nhiều người ngạc nhiên vì số lượng bệnh nhân khám, điều trị chứng rối loạn giấc ngủ lại đông đến thế. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, từ học sinh cấp 3 cho đến người già nhưng nhiều nhất vẫn là phụ nữ ở lứa tuổi từ 35 đến 50.
Nhìn mặt ai cũng phờ phạc, mắt sâu hoắm, mệt mỏi. Người thì không ngủ được, có người lại ngủ chập chờn, gặp ác mộng, và cũng có nhiều bệnh nhân đến khám vì lúc nào cũng buồn ngủ và ngủ li bì.
Trong số những bệnh nhân đó, chị Phương Nguyên (36 tuổi, kế toán trưởng một công ty xuất khẩu nông sản ở Q.4, TP.HCM) nổi bật vì vóc dáng cao ráo, đẹp như người mẫu, nhưng khi chị tháo khẩu trang, kính mát ra thì ai cũng té ngửa. Đôi mắt chị đầy vết chân chim, nhìn già nua như phụ nữ ở tuổi 60, hai má hóp vào, khi cười thì da ở khóe miệng nhăn nheo, xếp lớp.
Chị thở dài kể rằng 3 năm nay, đêm nào chị cũng không thể chợp mắt. Ban đầu uống thuốc ngủ còn có tác dụng nhưng sau đó càng uống chị càng khó ngủ. Chị đã đi khắp nơi, chữa trị mọi cách, đông, tây y đều có cả nhưng chẳng cải thiện được gì. Tính nết chị cũng bắt đầu thay đổi. Chị hay cáu giận, nóng nảy, đãng trí và đầu lúc nào cũng muốn nổ tung.
Đỉnh điểm là tuần rồi, chị tính toán sai nên mất của công ty hơn 200 triệu đồng. Khi bị phê bình và yêu cầu phải đền bù, chị như người điên hất tung mọi thứ, xé sổ sách và đập cả máy tính. Mọi người phải gọi xe cấp cứu đưa chị đi bệnh viện.
Cũng điều trị rối loạn giấc ngủ như chị Nguyên nhưng chị Hải Đường (giáo viên cấp 3 ở Q.2, TP.HCM) thì lại gặp chứng ngủ nhiều. Chị đau khổ kể rằng, mỗi lần đứng lớp, chị ngáp lên ngáp xuống rồi hễ ngồi xuống ghế là mắt chị nặng trĩu, có khi cầm phấn viết lên bảng, chị thiếp ngủ, phấn rơi xuống đất mà cũng không biết.
Thấy mình không thể điều khiển được giấc ngủ nên chị xin nghỉ phép đi chữa bệnh. Không ngờ chị đã ở Bệnh viện Tâm thần 3 tuần rồi mà tình trạng ngủ nhiều chỉ mới cải thiện đôi chút.
Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), rối loạn giấc ngủ có biểu hiện dưới 3 hình thái là: mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.
Ở chứng mất ngủ, người bệnh đi vào giấc ngủ khó khăn, chập chờn.
Chứng ngủ nhiều có đặc điểm là bệnh nhân luôn trong trạng thái buồn ngủ, ban đêm ngủ nhiều mà ban ngày vẫn ngủ gật, thậm chí có người còn gặp hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Rối loạn nhịp thức ngủ có biểu hiện tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ, vì thế giấc ngủ ngắn và không sâu.
Bệnh rối loạn giấc ngủ thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nữ chiếm tỷ lệ mắc cao hơn nam và phổ biến ở những người làm công việc đòi hỏi sự tập trung như: doanh nhân, quản lý, người tiếp xúc nhiều với máy vi tính, nhân viên văn phòng...
Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm trí nhớ, kém tập trung, giảm sút khả năng lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống. Nghiêm trọng hơn, rối loạn giấc ngủ còn có nguy cơ gây phát sinh và làm nặng thêm nhiều bệnh như: rối loạn tiêu hóa, tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, thậm chí có thể dẫn đến đột tử.
Cách “vỗ về giấc ngủ”
Theo bác sĩ Minh, ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể sẽ tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Điều này cực kỳ cần thiết để cho cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường sống.
Trẻ mới sinh ra cần ngủ đến 20 giờ mỗi ngày, điều đó nói lên tầm quan trọng của giấc ngủ đối với quá trình phát triển thể chất và tinh thần của chúng ta.
Một giấc ngủ ngon và chất lượng là giấc ngủ đảm bảo thời gian từ 7 đến 8 giờ theo sinh lý bình thường, sau khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, khỏe mạnh, không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ nữa, năng suất làm việc cao và không có những cơn ác mộng trong khi ngủ. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày nay, con người rất dễ gặp chứng rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ cấp tính thường do sang chấn tinh thần nặng (như mất việc, đổi việc, người thân chết, ly dị, chuyển nơi ở); không thoải mái về cơ thể hay tình cảm; môi trường nhiều tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ nóng hay lạnh quá; dùng thuốc (trị cảm, dị ứng, trầm cảm, cao huyết áp, suyễn); thay đổi nhịp sống (đi đến nước khác múi giờ).
Nguyên nhân mãn tính thường do trầm cảm, chấn thương tinh thần (stress) kéo dài, đau hay khó chịu về đêm. Và một khi đã thiếu ngủ, con người sẽ mệt mỏi, uể oải trong ngày; bồn chồn, dễ nóng giận; hay quên, không thể tập trung vào công việc; khó đưa ra những quyết định sáng suốt; tăng tính bị ám thị, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác; mất khả năng thiết lập kế hoạch cho tương lai; có thể có những ảo giác - tức là nhìn thấy những hình ảnh không có thực...
Nhiều người mất ngủ vội vã tìm ngay đến thuốc an thần để rồi lệ thuộc vào thuốc mà không biết rằng, tỷ lệ tai biến mạch máu não ở người quen dùng thuốc an thần cao gấp ba so với người không lệ thuộc thuốc.
Giải pháp không quá xa tầm tay chính là chủ động ngăn chặn và giảm thiểu các nguồn sinh gốc tự do như: căng thẳng tâm lý, thiếu dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, rượu bia, khói thuốc lá, chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm phóng xạ...
Theo lời khuyên của bác sĩ Minh, để có giấc ngủ ngon, chúng ta cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ, không nên nằm nướng trên giường vào buổi sáng, dậy ngay khi thức giấc, đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, mắt lim dim, không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ, không đọc những cuốn sách quá lôi cuốn, hấp dẫn vào buổi tối cũng như không xem ti vi trên giường ngủ.
Ngoài ra, chúng ta nên tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng, tạm quên đi những lo toan, bận tâm trong ngày, không dùng những chất kích thích như trà, thuốc lá, cà phê, sô cô la, vitaman C vào buổi tối, ăn tối không trễ quá, nên ăn nhẹ nhàng, không ăn quá no và nên uống một ly sữa vào buổi tối, không nên chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối, trước khi ngủ có thể tắm nước ấm, mát xa nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn, phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, ánh sáng dịu nhẹ, tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Và cuối cùng, đừng quên rằng tình cảm vợ chồng hòa thuận thăng hoa cũng là liều thuốc tự nhiên vô cùng quý giá giúp giấc ngủ ngon.
Biên Thảo
>> Rối loạn vị giác
>> Rối loạn cương dương gây đau tim
>> Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
>> Chứng rối loạn tâm thần tăng cao trong người trẻ
>> Hình ảnh khiêu dâm gây rối loạn trí nhớ
>> Rối loạn vì tín hiệu đèn giao thông
>> Rối loạn cương dương đa phần là do bệnh lý mạch máu
>> Quý ông từ chối sex là do bị... rối loạn cương dương