Nhắc đến Trung thu, người ta nhớ đến chiếc đèn ông sao, và nói đến đèn ông sao thì phải nói đến nơi đã làm ra chiếc đèn ấy, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Chỉ còn 300 hộ dân Báo Đáp làm đèn ông sao - Ảnh: Thùy Vân
|
Theo một số người cao tuổi ở Báo Đáp, ông Nguyễn Văn Ruyến có thể là người đầu tiên làm đèn ông sao.
Ban đầu, vào những năm 1935 - 1940, những chiếc đèn ông sao đầu tiên được làm bằng giấy và bán ở Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng.
Tuy nhiên, giữ được nghề này và phát triển đến ngày nay là anh em con cháu họ Vũ trong làng.
Mỗi năm, Báo Đáp tiêu thụ khoảng 400 tấn nứa Thanh Hóa, nứa còn tươi chẻ ra và ngâm khoảng 2 tháng để không bị mọt.
Báo Đáp có 700 hộ, ngày trước tất cả đều làm đèn ông sao, nhưng bây giờ chỉ còn hơn 300 hộ, còn lại chuyển nghề khác, hoặc chỉ gia công từng phần cho các hộ có mối hàng lớn.
Gia đình ông Vũ Văn Kháng, 63 tuổi, ở xóm 4, là gia đình có sản lượng lớn nhất nhì trong làng với khoảng 7-10 vạn đèn xuất xưởng mỗi năm.
Theo ông Kháng, thu nhập của gia đình ông mỗi năm từ 130-150 triệu, 6 người làm thuê trong 4 tháng cũng có 10 triệu/người.
Nghề làm đèn ông sao đã mang lại thu nhập khá ổn định và không quá vất vả cho người dân Báo Đáp dù cũng chẳng mấy ai giàu có, đó cũng là lý do một nửa hộ dân trong làng đã bỏ nghề.
Tuy nhiên, khi đồ chơi Trung Quốc ngày càng nhiều trên thị trường, sự tồn tại của những chiếc đèn ông sao của làng nghề này thật đáng trân trọng.
Thùy Vân