Chó, mèo là hai con vật được nhiều người yêu mến nuôi trong nhà. Tuy nhiên, có những bệnh tật từ hai loài vật cưng này rất dễ lây sang con người, đặc biệt có khi nguy hiểm đối với trẻ em, phụ nữ mang thai.
Sảy thai, mù mắt vì chó, mèo
Có những người quý chó, mèo đến mức cho ăn chung mâm, chung chén, ngủ chung giường như trường hợp chị Thảo Sương (Q.4, TP.HCM). Chị Sương yêu mèo từ nhỏ, trong nhà lúc nào cũng có 5-7 con mèo. Chị di chuyển tới đâu, đàn mèo chạy theo quấn chân chị đến đó. Chị ngồi ăn cũng để một dãy chén xung quanh để những chú mèo ngồi chổm hổm trên bàn cùng ăn. Rồi khi chị ngủ, cả đàn mèo chui rúc vào chăn, con thì nằm trong lòng, con lại nằm dưới chân...
Đến lúc lấy chồng, chị vẫn không bỏ thói quen đó. Mọi việc vẫn tốt đẹp cho đến khi Sương mang thai đứa con đầu lòng. Thai nhi phát triển ổn định cho đến tuần thứ 12 thì chị bị đau bụng dữ dội và ra máu nhiều. Khi đến Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM khám, chị đã bị sẩy thai. Chị Sương càng đau đớn và sốc hơn khi kết quả xét nghiệm cho thấy, chị bị nhiễm toxoplasma gondii - một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo, và đó chính là nguyên nhân gây sảy thai.
 Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Shutterstock
|
Còn em Quang Minh, 5 tuổi (ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại là nạn nhân của những chú chó cảnh bạc triệu của bố. Bố Minh có thú nuôi chó từ lâu. Anh coi chó như một thành viên trong gia đình nên hết sức chiều chuộng. Từ khi bé Minh biết bò cũng là lúc bắt đầu cuộc sống “ăn, ngủ cùng chó”. Thế rồi bỗng một ngày bé xuất hiện các triệu chứng giống cúm và mắt trở nên tím bầm, viêm sưng và mờ dần, ít ngày sau thì mù hẳn.
Vợ chồng anh Hưng lập tức đưa con đến Bệnh viện Mắt TP.HCM chữa trị. Qua xét nghiệm cho thấy, bé bị mắc bệnh toxocariasis do ấu trùng giun sán sống ký sinh ở chó gây ra. Bác sĩ giải thích rằng, 2 loại toxocara canis và toxocara cati thường sống ký sinh ở chó và mèo. Trứng của chúng thường nằm trên mặt chó, mèo và có thể lây sang người khi tay người tiếp xúc với mặt của các con chó, mèo nhiễm giun ký sinh. Căn bệnh này nếu không được điều trị trong vòng 72 tiếng, bệnh nhân có thể tử vong do lan lên não.
Các bác sĩ đã dùng tới 3 loại kháng sinh phối hợp, 2 loại đường uống và 1 loại tiêm thẳng vào mắt, để làm “sạch” mắt của bé. Bác sĩ cho biết, nếu không thể chặn sự lây lan lên não bộ thì phải múc bỏ 2 mắt của bé.
Không nên quá gần gũi với chó, mèo
Dù chó, mèo là những vật trung thành và khôn ngoan, nhưng theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, chúng ta không nên quá gần gũi với chó, mèo.
Trẻ em tiếp xúc nhiều với 2 con vật này dễ dẫn đến mù mắt. Nguyên nhân gây mù mắt là do nang ấu trùng toxocara canis - giun đũa chó, trứng hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Khi được vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể. Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng.
Đối với trẻ em khi nhiễm, giun đi vào sau võng mạc làm nạn nhân mù từ từ. Ngoài ra, đốt sán già sẽ tự bò hay rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân từng 2-3 đốt. Vật chủ chính là chó, bọ chó, bọ chét nuốt phải trứng sán, ấu trùng sán phát triển trong thành dạ dày bọ chét. Khi tiếp xúc với chó, con người ngẫu nhiên nuốt phải bọ chó (hoặc qua tay bẩn cầm thức ăn). Người mắc sán thường đau bụng, ỉa chảy.
Còn sán lá phổi trưởng thành ký sinh ở phổi chó. Sán đẻ trứng ở đó. Trứng theo đờm ra ngoài hoặc nuốt xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng rơi vào nước, ấu trùng ký sinh ở cua, tôm, ốc. Chó, mèo ăn phải tôm cua sống hoặc nấu chưa chín, ấu trùng phát triển thành sán lá phổi.
Nuôi chó còn có nguy cơ nhiễm bệnh dại. Virus dại thuộc họ rhabdovirus có nhiều trong nước bọt của súc vật cắn người rồi lây bệnh dại cho người. Biểu hiện lâm sàng là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, gây co thắt hầu họng làm ngạt thở. Khi lên cơn, phần lớn là chết, bệnh nhân tỉnh đến lúc chết. Khi người bị chó dại cắn, việc cần tiêm huyết thanh kháng dại hay vắc xin dại phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ Siêu, mèo dễ truyền bệnh toxoplasma - trùng bào tử sống ở ruột mèo. Bệnh này do nhiễm phải ký sinh trùng toxoplasma gondii. Chu kỳ sống chính của ký sinh trùng là trong ruột mèo. Các giao tử tạo thành bọc trong thành ruột và được bài tiết theo phân ra ngoài. Một con mèo có thể tiết ra 100 triệu ký sinh trùng/ngày.
Người mắc phải rất tình cờ như sờ vào lông mèo hoặc đem đổ rác của mèo. Người nuốt phải các noãn bào, thoa trùng được giải phóng nhiễm vào mô ruột. Toxoplasma không gây các triệu chứng nhưng nó có thể tạo thành các ổ kén gây bệnh ở các hạch, viêm võng mạc mắt, ổ kén trong cơ tim, gây hoại tử tim, viêm phổi kẽ, kén ở hệ thần kinh trung ương. Đối với phụ nữ có thể truyền cho thai nhi qua bánh rau.
Ký sinh trùng này không chỉ làm sảy thai ở phụ nữ có thai mà ở người suy giảm miễn dịch mắc phải, thường gặp là bệnh nhân HIV/AIDS, chúng còn có thể tạo nang, kén trong cơ quan nội tạng người, xâm nhập lên não làm nạn nhân tử vong vì viêm não, đây là tác nhân gây viêm não khá phổ biến trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải.
Một bệnh khá phổ biến nữa là bệnh móng mèo. Đây là bệnh viêm hạch lành tính, hay gặp do bị mèo cào. Qua vết xước, vi rút vào cơ thể, sau hai tuần, bệnh nhân sốt nhẹ, sau xuất hiện hạch toàn thân, nhưng rõ nhất ở khu vực có vết xước. Hạch nhỏ, đau. Bệnh không nguy hiểm, mắc bệnh 2-3 tuần sẽ khỏi.
Ngoài ra, mèo bị bệnh trên da, xuất hiện nấm tinea ciroinata gây ra bệnh hắc lào và lây sang người do tiếp xúc. Mèo còn truyền vi khuẩn salmonella, là vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Người tiếp xúc với lông mèo (chó) tay bẩn cầm thức ăn đưa vi khuẩn vào ruột, dễ bị lây bệnh thương hàn, ỉa chảy.
Bên cạnh đó, mèo còn truyền bệnh tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) gây các bệnh mụn nhọt ngoài da, viêm phổi, áp xe phổi, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh rất nặng, rất dễ gây tử vong.
Bác sĩ Siêu cảnh báo các gia đình nên có chỗ riêng để nhốt thú cưng. Sau khi vuốt ve, nựng chó, mèo phải rửa tay sạch bằng xà phòng, tránh để trứng giun ký sinh từ con vật xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.
Riêng với phụ nữ chuẩn bị có thai, đang có thai không nên nuôi chó mèo, trước khi có thai nên đi bệnh viện làm xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng, nếu nhiễm phải chữa dứt mới được mang bầu.
Biên Thảo
>> Rắn, thú cưng của người Hồng Kông
>> Bênh từ thú cưng
>> Ngừa nhiễm bệnh từ thú cưng