Trong khi nhiều thị trường xuất khẩu lao động đang khép lại với lao động Việt Nam, thì phía Nhật Bản lại ưu ái, dành nhiều cơ hội cho thanh niên Việt Nam sang học tập và làm việc trong năm 2014.
 Làm điều dưỡng viên tại Nhật có thể đạt thu nhập 30 - 40 triệu đồng/tháng - Ảnh: V.Hà
|
Ưu tiên tuyển thanh niên huyện nghèo đi Nhật
Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp với Tổ chức phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) thực hiện chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Theo thỏa thuận, thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 25, thuộc hộ gia đình nghèo, hoặc thuộc đối tượng hưởng chính sách xã hội theo quy định của Chính phủ Việt Nam đã tốt nghiệp THPT, sẽ được lựa chọn để tham gia chương trình đào tạo và được đài thọ tiền học phí, học phẩm, tiền ăn và ở nội trú trong thời gian học. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và vượt qua kỳ thi cuối kỳ, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình, được hai bên công nhận đủ điều kiện và được lựa chọn tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam tại Nhật”.
Theo ông Thanh, sau khi thực tập sinh hoàn thành chương trình thực tập 3 năm và về nước đúng hạn, thực tập sinh sẽ được IM Japan hỗ trợ 600.000 yen/người (hơn 127 triệu đồng) để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp.
Nếu có nguyện vọng làm việc trong các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, thực tập sinh sẽ được Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Văn phòng đại diện IM Japan tại Việt Nam giới thiệu để các công ty tuyển chọn.
Có thêm 500 điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật mỗi năm
Khác với chương trình thực tập kỹ năng - các thực tập sinh chỉ được ở lại Nhật 3 năm, sau đó bắt buộc phải quay về nước, thì trong chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật, lần đầu tiên giữa hai chính phủ có thỏa thuận hợp tác LĐ công nhận các tiêu chuẩn về bằng cấp của nhau. Nghĩa là, LĐ Việt Nam có cơ hội làm việc lâu dài và hợp pháp tại Nhật nếu thi đỗ chứng chỉ quốc gia.
Với hơn 4 triệu người già cần được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, hiện Nhật Bản còn thiếu khoảng 40.000 điều dưỡng viên và thiếu 100.000 - 150.000 hộ lý. Trước thực trạng này, Nhật Bản đang tìm cách bổ sung điều dưỡng viên, hộ lý được đào tạo tốt từ các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Nimonjima Osamu, Giám đốc Tổ chức phát triển mạng lưới nhân lực châu Á, cho biết Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội (Nhật Bản) mới đây ra thông báo, từ năm 2014 trở đi, mỗi năm Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận 500 điều dưỡng và hộ lý Việt Nam, với mức lương vừa học vừa làm từ 35 - 40 triệu đồng/tháng.
Thu Hằng
>> Cơ hội cho lao động trở lại Hàn Quốc làm việc
>> Tuyển 900 lao động làm việc ở nước ngoài
>> Mẹo tăng hiệu suất làm việc
>> Làm việc ngồi... “giết chết” dân văn phòng
>> Lo lắng khiến lao động làm việc không hiệu quả
>> Tỷ lệ lao động trở lại làm việc khá cao
>> Nhiều người Trung Quốc làm việc “chui”