Trong lúc kinh tế khó khăn, mỗi gia đình phải cân nhắc chi tiêu thì phụ huynh có con em học ở một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM lại phải đóng thêm một khoản tiền “không ăn nhập vào đâu”: tiền tin nhắn.
 Tiền dịch vụ tin nhắn không được phụ huynh lẫn nhà trường ủng hộ - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Phụ huynh: Vô lý quá!
Chị Thùy Trang, có con học lớp 4 Trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2, H.Bình Chánh, bức xúc nói: “Học kỳ 2 năm ngoái, khi con tôi học lớp 3, nhà trường yêu cầu mỗi phụ huynh đóng mỗi tháng 15 ngàn đồng để trường nhắn tin kết quả học tập, thời gian thi, nghỉ hè… để phụ huynh biết. Đầu năm học này chúng tôi cũng bị đóng khoản tiền này. Mặc dù không đồng tình nhưng trường bắt buộc nên chúng tôi phải đóng.
Con tôi đã lớn, có thể truyền đạt được thông điệp của thầy cô, nhà trường đến với phụ huynh, bên cạnh đó còn có sổ liên lạc, sổ báo bài, cần gì cô giáo chủ nhiệm viết vào đó gởi về phụ huynh, thì “đẻ” ra dịch vụ, khoản phí tốn kém này để làm gì?”.
Cũng theo chị Trang, học kỳ 2 năm ngoái, chị chỉ nhận được chừng 4 tin nhắn kết quả học tập, lịch thi của con, nhưng tin nhắn lại đến khi chị đã biết kết quả thi rồi. Nếu vậy, số tiền 1 tin nhắn này là quá đắt so với nhắn một tin trên điện thoại di động chỉ mất 300 đồng/tin, và nó không phục vụ được gì.
Anh Nguyễn Văn Tâm, có con học lớp 2 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.10, cũng chung tâm trạng: “Đầu năm học, trường gởi về cho gia đình giấy đăng ký dịch vụ nhắn tin với số tiền 10 ngàn đồng/tháng. Không rõ có bắt buộc hay không, nhưng tôi cũng đã đăng ký. Dẫu vậy tôi vẫn thấy e ngại, vì đâu phải phụ huynh nào cũng có điện thoại di động. Vì vậy, dịch vụ này xem ra chưa mấy phù hợp”.
Một phụ huynh có con học lớp 3, Trường Tiểu học Tam Đông, H.Hóc Môn cũng than phiền: “50 ngàn đồng/học kỳ là số tiền không nhỏ đối với các gia đình nghèo ở ngoại thành. Mà đâu chỉ có khoản thu này, trường còn thu biết bao khoản khác nữa. Vì vậy, phụ huynh chúng tôi thấy rất mệt mỏi, bức xúc”.
Nhà trường: thực hiện do chỉ đạo của cấp trên
Trao đổi với phóng viên, cô Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2, H.Bình Chánh nói: “Năm học rồi, theo chủ trương của Sở GD-ĐT về việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, nên trường đã vận động phụ huynh học sinh đóng tiền tin nhắn. Nhà mạng Viettel đã đến trường, tập huấn cho thầy cô áp dụng. Đầu năm học này, chúng tôi cũng tiếp tục vận động phụ huynh đóng.
Tuy vậy, qua thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy dịch vụ này khiến các thầy cô rất vất vả, vừa học vừa áp dụng, trong khi còn nhiều việc khác phải làm. Bên cạnh đó phụ huynh phản đối rất nhiều. Do đó, trường đã quyết định không sử dụng dịch vụ này nữa, trả tiền lại cho phụ huynh học sinh”.
Cô Kim Anh cho biết thêm, số tiền tin nhắn chỉ thu 7.000 đồng/tháng chứ không phải 15.000 đồng như phụ huynh phản ảnh, và trường cũng không bắt buộc. Hiện trường đã trả lại số tiền này, phụ huynh nào chưa nhận lại có thể liên hệ với phòng kế toán trường để nhận khi đến đóng học phí cho con em.
Khi hỏi đến dịch vụ này, thầy Trương Văn Khánh, Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.10 bày tỏ: “Bản thân tôi thấy dịch vụ này là không cần thiết, bởi với học sinh tiểu học, đầu tuần, cuối tuần chúng tôi đều liên lạc với gia đình bằng sổ báo bài.
Sở dĩ trường phát phiếu đăng ký dịch vụ này cho học sinh là do đầu năm học, đại diện nhà mạng Viettel có đến đề nghị trường liên kết thực hiện theo chủ trương của Phòng GD-ĐT... Tuy nhiên, do không có nhân lực và nhiều yếu tố khác nên chúng tôi chỉ đồng ý phát giúp tờ đăng ký. Chúng tôi không đứng ra thu tiền cũng như thực hiện dịch vụ này”.
Theo chúng tôi, Sở GD - ĐT TP.HCM, các Phòng giáo dục quận huyện nên cân nhắc lại việc liên kết, sử dụng dịch vụ nhắn tin không mấy cần thiết này để tránh làm phiền phụ huynh và góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho các gia đình.
Thanh Đông
>> Nở rộ "bẫy" tin nhắn
>> Gần 10 triệu tin nhắn rác mỗi ngày
>> Nhà mạng kiếm 100 tỉ đồng/tháng từ tin nhắn rác
>> Gửi tin nhắn, email rác: có thể bị đình chỉ vĩnh viễn
>> Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo khi người nhận đồng ý
>> Phụ huynh vây công ty tư vấn du học đòi lại tiền