(Tin Nóng) Đầu tư 21 tỉ, ra rạp không bán nổi một vé, thế nhưng bộ phim Sống cùng lịch sử vẫn được các nhà quản lý và làm phim đánh giá một cách đao to búa lớn là “đã hoàn thành xong sứ mệnh”. Phải chăng “sứ mệnh” đó là làm xong phim để... cất vào kho như những bộ phim xài tiền của nhà nước trước đó?

Sống cùng lịch sử, bộ phim được cấp kinh phí 21 tỉ đồng nhưng không bán được một vé nào - Ảnh: Tư liệu
|
Có nhiều phân tích về sự thất bại của bộ phim “dã sử” này (về chiến thắng Điện Biên). Trước hết là ở khâu quảng bá, phát hành. Người ta cho rằng do kinh phí quảng bá eo hẹp nên phim không có được “hiệu ứng tiếp thị” như những phim thuộc dòng thương mại. Thế nhưng như bộ phim Căn hộ 69 hay “hiện tượng” Lệ Rơi vừa qua chẳng hạn, có “kinh phí” quảng bá nào đâu mà sao hàng triệu lượt người đua nhau xem và bình phẩm (chưa nói tới chuyện khen - chê)?
Không thể nói là bộ phim gặp bất lợi trong khâu phát hành. Được chiếu ở thủ đô, lại trong những ngày vàng trong năm như dịp lễ 2.9, thì không thể nói là nhiều người không biết để mà xem.
Có chăng điều cần xem là liệu có phải tư duy tuyên truyền đơn giản quá cũ kỹ, lạc hậu trong việc làm các phim “bao cấp” kiểu như vậy lâu nay khiến cho công chúng đã ngán ngẩm nên cũng chẳng màng cả đến việc xem thử, là nguyên nhân chính dẫn đến việc không bán nổi lấy một vé xem phim trong suốt hai tuần trình chiếu?
Ngay cả cha đẻ của bộ phim, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, dù cho rằng “bộ phim đã hoàn thành sứ mệnh”, song vẫn phải chua chát nói thêm: “Nó (bộ phim) để lại những vấn đề cần suy nghĩ sâu sắc”.
Điều cần “suy nghĩ sâu sắc” của ông đạo diễn nêu trên phải chăng đang là vấn đề của phim ảnh hay văn hoá nghệ thuật của nước ta hiện nay nói chung: Những cái “hời hợt”, thậm chí “vớ vẩn” vì sao lại “lên ngôi”; trong khi những điều “sâu sắc”, “lớn lao” lại bị lép vế, thua bại trong đời sống thưởng thức nghệ thuật của công chúng? Vì sao những bộ phim khai thác từng xăng ti mét cơ thể của các chân dài hay những ngóc ngách tầm thường đời sống của giới trưởng giả mới lại luôn ăn khách, trong khi bộ phim về một trong những trận chiến vĩ đại của dân tộc như Sống cùng lịch sử lại không có người xem?
Điều có thể lý giải, nói như giáo sư Phương Lựu, là phải chăng “đất trời đã chuyển sang mùa hậu hiện đại”? Phải chăng không ít người trong xã hội giờ đã ngán ngẩm với những “siêu truyện”, “đại tự sự” qua tuyên truyền và chỉ thích thú, mơ màng với những “tiểu tự sự”, những câu chuyện đời thường, riêng tư, vặt vãnh. Như Ch. Brooke-Rose nhận định về “sự tăng trưởng uy tín của các thể loại “phổ cập” với tính thô thiển về thẩm mỹ của chúng”.
Hoàn toàn tương tự như những con tàu của Vinalines trước đây, nhưng vì là các sản phẩm “tinh thần” nên các bộ phim được cấp kinh phí rất dễ “AQ” tuyên bố là “hoàn thành sứ mệnh” dù không bán nổi một vé. Và cũng hoàn toàn tương tự như sau vụ Vinalines, có lẽ là đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy trong việc đầu tư kinh phí xã hội trong văn hoá nghệ thuật...
Đoàn Đạt
>> Sắp chiếu phim tài liệu về Hoàng Sa do ông André Menras làm đạo diễn
>> Liên hoan phim Việt Nam tại Pháp
>> Eternity - Phim mới của Trần Anh Hùng
>> Phim Việt không dễ chen chân với phim ngoại
>> Hội đồng duyệt và giới làm phim nói gì kiểm duyệt phim?