Hằng năm cứ vào mùa thu, bão lụt lại diễn ra trên khắp nước ta, tập trung nhiều thường là ở miền Trung và miền Bắc.
Biết làm sao được, đất nước ta nằm trên vòng cung của Thái Bình Dương, có một bờ biển dài chịu sự tác động thường xuyên của chế độ gió mùa. Trong những năm gần đây, nước ta là nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, của thời tiết cực đoan. Khắp ba miền đã nỗ lực trồng rừng ngập mặn để giảm bớt năng lượng của sóng cao và gió bão; duy tu cầu cống, bờ kè, mặt đập để phòng chống lũ lớn; phân lũ để giảm áp lực của nước.
Hơn bao giờ hết, huyền thoại Sơn Tinh trổ hết thần uy ngăn chặn giặc Thủy Tinh, bảo vệ cuộc sống cho con người hiển hiện ra thành công tác phòng chống bão lụt rõ ràng trong giai đoạn biến đổi khí hậu này.

Minh họa: DAD
|
Nỗ lực của con người là vậy nhưng chuyện bão lụt hoành hành đột ngột, gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nghèo của chúng ta hằng năm cũng là một cái gì rất thật. Truyền thống của chúng ta là nơi nào xảy ra thiên tai bão lụt thì bà con sẵn sàng chia sẻ bát gạo, đồng tiền, tấm áo đùm bọc nơi ấy. Ngoài kênh cứu trợ của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể thì kênh cứu trợ của báo chí là một nguồn lực quan trọng, nhanh chóng giúp được bà con nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn và ổn định cuộc sống.
Phải nói rằng các anh chị nhà báo, nhà đài là những người “có nghề” cứu trợ bà con nhất - cái kỹ năng mà chính quyền và các tổ chức khác chưa chắc đã đắc thủ được. Những nhà báo, nhà đài sẵn sàng dầm mình trong vùng nước lũ, xắn quần, vác máy vào tận các nơi xa xôi nhất, nguy hiểm nhất để viết bài, đưa tin không đơn thuần chỉ là biểu hiện của tình yêu nghề nghiệp mà cái chính là vì đồng bào nghèo nạn nhân bão lụt của mình. Tin bài của họ là tin bài nóng, được đưa trên báo in, sóng phát thanh, sóng truyền hình; có sức lan tỏa và lay động lòng người nhanh nhất. Đọc, nghe và xem được những thông tin ấy, đông đảo nhân dân sẵn sàng mở lòng đùm bọc, chia sẻ với bà con nạn nhân.
Trong bão lũ, báo đài trở thành niềm tin của mọi người. Bạn đọc, bạn xem và nghe đài tin rằng tâm hồn của nhà báo trong sáng cho nên dù không ai động viên, họ cũng sẵn sàng đem tiền bạc, vật dụng, thực phẩm đến cho báo đài cứu trợ bà con.
Tâm lý người hảo tâm nào cũng mong rằng những gì mình đóng góp đều được đem đến trực tiếp và nhanh nhất cho bà con. Họ cũng tin rằng nhà báo, nhà đài không làm việc cứu trợ theo “phong cách hành chính” rề rà và phức tạp nên họ sẵn sàng đem tặng vật đến cho báo đài - những con người mà họ nghĩ là làm việc nhanh nhất. Sự thật là nhà báo, nhà đài chịu thương chịu khó hơn bất cứ một ai khác; nơi đâu cũng đến được, cứu trợ là đúng đối tượng. Họ không có một quyền lợi riêng tư nào trong công tác cứu trợ bà con. Họ làm công tác từ thiện xã hội bởi vì đó là một bổn phận phải làm với bà con chứ không vì đồng lương, cũng chẳng vì danh tiếng.
Báo đài làm việc rất rõ ràng, rất thẳng thắn. Nhận tiền quà của người hảo tâm nào, bao nhiêu; tặng lại cho bà con nào, ở đâu, bao nhiêu đều được họ thông tin kịp thời và đầy đủ. Những thông tin đối lưu hai chiều ấy là cái mà những nhà hảo tâm muốn biết và cần biết. Cho nên, nhân dân tin vào sự minh bạch ấy.
Hằng năm vào những ngày bão lớn lụt to, sau khi báo đài đưa thông tin về những thiệt hại của bà con, các nhà hảo tâm đã tự động đem tiền quà cứu trợ đến cho báo đài nhờ chuyển đến giúp đỡ bà con. Làm công tác nhiều năm trong báo, tôi đã chứng kiến được những cảnh cảm động và chan chứa tình người ấy. Thông thường, báo phải họp một buổi ngắn ngắn, phân công ai lo nhận tiền quà cứu trợ, ai chuyển đi, chuyển đi đâu... Tấm băng rôn “Tiếp nhận tiền quà cứu trợ bà con bão lụt...” chưa kịp treo lên, thậm chí số báo in lời kêu gọi của ban biên tập chưa phát hành thì đã có nhiều bà con mang tiền quà đến phòng khách ngồi chờ tặng rồi.
Sau đó, tiền quà đưa đến nườm nượp. Em học sinh này nhịn quà sáng được 50.000 đồng, cụ hưu trí kia trích đồng lương hưu khiêm tốn được 100.000 đồng, anh xe ôm nọ chạy buổi sáng được 70.000 đồng... - tất cả đều nghĩ đến bà con bị bão lụt ở phương xa. Họ không biết bà con nạn nhân bão lụt là ai nhưng máu chảy thì ruột mềm, họ cứ đem tặng. Các ban quản lý chợ vận động bà con tiểu thương, các xí nghiệp công ty vận động cán bộ nhân viên, các trường học vận động học sinh và thầy cô... Số tiền dù ít dù nhiều, các nơi cũng mang đến cho báo đài làm việc từ thiện chuyển lại bà con.
Nhật ký công tác của tôi còn ghi rõ 20 năm trước, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào Tuy Hòa (Phú Yên), gây ra nhiều thiệt hại cho bà con ở những huyện lân cận. Vừa có lời kêu gọi cứu trợ của Báo Thanh Niên, Ban Quản lý chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) đã gọi điện thoại đến tòa soạn mong được giúp đỡ cho bà con. Toàn bộ anh chị tiểu thương đều tham gia đóng góp tài nguyên, vật lực. Ban quản lý chợ yểm trợ cho ba chiếc xe tải, mỗi xe chở khoảng vài chục tấn hàng cùng Báo Thanh Niên ra Tuy Hòa để giúp bà con. Tấm lòng ấy của tiểu thương chợ An Đông đã khiến cho báo chúng tôi cảm động.
Hôm lên Đồng Rin cách Tuy Hòa trên dưới 15 cây số giúp cho 85 hộ sập nhà hoàn toàn, một bà mẹ già đi nhận quà cứu trợ hỏi tôi: “Gạo tiền ở đâu mà đem cho bà con nhiều vậy con?”. Tôi trả lời: “Thưa bác, gạo tiền là của bà con tiểu thương ở chợ An Đông giúp. Chúng con chỉ là những người đem đến cho bà con thôi”.
Giúp nhau trong thiên tai bão lụt đã trở thành một truyền thống đẹp của nhân dân TP.HCM. Bà con luôn luôn đi đầu trong các công tác từ thiện xã hội. Bao giờ cũng vậy, bà con thường dặn anh em báo chí chúng tôi trao tận tay tiền quà cho các bà con nạn nhân bão lụt. Bà con sợ nếu đi qua những tầng nấc, những trung gian thì số tiền quà tặng kia sẽ bị... rơi rớt chút đỉnh đâu đó. Báo chí đã làm công việc xứng đáng với niềm tin của bà con.
Nhân tiện, tôi cũng xin nói về một vài điều chưa đúng mà mình từng gặp trong khi làm công việc cứu trợ. Có nơi, bà con được nhận một phần quà, khi đem về nhà thì các anh chị ở thôn ấp đề nghị bà con... chia một nửa cho một hộ khác. Có nơi nghe tin báo chí đến cứu trợ, địa phương đã lên sẵn danh sách có các hộ “anh em phe ta” xen lẫn hộ bà con nghèo để nhận tiền quà. Tôi đã từng nhìn thấy có người đi nhận tiền quà cứu trợ bằng xe gắn máy, tay đeo... nhẫn vàng đỏ chói! Chúng ta làm gì vậy để bà con nghèo buồn lòng nhỉ?
Cá biệt, có trường hợp như sau đây thì ai cũng phải thông cảm. Một thôn nọ ở miền núi xa có đúng 10 hộ nghèo. Anh thôn phó và hai thanh niên mượn được chiếc xe đẩy, nhận 300 kg gạo về cho bà con. Anh thôn phó nói: “Các anh cho phép tôi bán bớt 10 kg gạo”. “Để làm gì, anh?”. “Tụi tôi phải đi 18 cây số, về 18 cây số đường núi mới có gạo cho đồng bào. Mà anh em chúng tôi thì không có công tác phí. Vậy thì cho chúng tôi bán 10 kg gạo để làm lộ phí cho ba người”. Anh nói chân tình và thẳng thắn.
Không nỡ để mỗi hộ bà con nhận 29 kg gạo, chúng tôi trích quỹ cứu trợ 100.000 đồng (hồi năm 1995) cho ba anh để các anh có thể ăn cơm, uống nước dọc đường. Còn gạo thì nên phát đủ cho bà con.
Vũ Đức Sao Biển
>> Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc căng mình chờ siêu bão Usagi
>> Sơ tán hơn 6.000 người tránh lũ sau bão số 8
>> Ít nhất 2 người chết, 12 người mất tích vì bão số 8
>> Bão số 8 suy yếu thành áp thấp
>> Năm 2012, Việt Nam có 7.467 người chết vì thiên tai, sự cố