Căng thẳng về chủ quyền liên quan quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản cộng tâm lý bài Nhật gia tăng khiến nhiều nhà đầu tư Nhật tại Trung Quốc chuyển hướng sang Đông Nam Á, nơi họ cảm thấy “an toàn và thân thiện với Nhật Bản”.
Đông Nam Á, nơi an toàn cho nhà đầu tư Nhật
Yeap Swee Chuan, Tổng Giám đốc Aapico Hitech, một công ty sản xuất phụ tùng xe hơi Thái Lan chuyên cung cấp hàng cho các hãng Toyota và Honda, đang hưởng lợi từ vụ này.
Giá cổ phiếu của Aapico Hitech đã tăng gấp đôi so với hồi năm 2010 và Yeap kỳ vọng giá cổ phiếu công ty ông sẽ tăng thêm khoảng 15% trong năm 2013, theo Bloomberg.

Một nhà máy của Toyota tại Samut Prakan, Thái Lan - Ảnh: AFP
|
Yeap cho biết các đối tác Nhật Bản thường tâm sự với ông về mối lo ngại của họ tại Trung Quốc.
“Họ thích đến những quốc gia mà họ cảm thấy an toàn. Và Thái Lan là một đất nước thân thiện và ấm áp. Sân gôn ở đây thì hết ý”, Yeap nói.
Doanh nghiệp Nhật Bản đã xuất hiện tại Thái Lan từ nhiều thập kỷ trước. Tại thủ đô Bangkok hiện có nhiều khu người Nhật, một trường học Nhật Bản và nhiều khách sạn Nhật. Thậm chí ở đây còn có hẳn một… phố đèn đỏ dành cho khách Nhật.
Hiện Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác đang còn thêm một sức hút đối với doanh nghiệp Nhật, đó là họ không phải là Trung Quốc.
Sau khi chính phủ Nhật quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ tư nhân hồi tháng 9.2012, nhiều người biểu tình Trung Quốc đã đốt phá xưởng lắp ráp và cửa hàng ô tô của Nhật tại Trung Quốc, đồng thời tẩy chay hàng hóa Nhật.
Mới đây vào ngày 4.2, Bộ Quốc phòng Nhật tố cáo tàu chiến Trung Quốc nhắm radar điều khiển tên lửa vào một chiến hạm Nhật tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Trung Quốc đã trở thành một thị trường bớt thân thiện”, ông Michael Spencer, chuyên gia kinh tế châu Á thuộc Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), chi nhánh Hồng Kông, nhận định.
Còn ông Hirokazu Kono, giáo sự tại trường đại học Keio chuyên đào tạo kinh doanh hàng đầu Nhật Bản, thì cho rằng “khuynh hướng bài Nhật của một số người Trung Quốc” chính là một trong những lý do khiến nhà đầu tư Nhật Bản bỏ đi nơi khác.
Trong khi đó, Đông Nam Á, nơi khuynh hướng ghét người Nhật từ hồi Thế chiến thứ hai không mạnh mẽ như ở Trung Quốc, lại đang mời gọi nguồn tiền đầu tư từ Nhật Bản.
“Các nhà đầu tư Nhật tại Trung Quốc cảm thấy mình bị hiếp đáp. Họ thấy Việt Nam an toàn”, ông Katsuaki Nishikawa, Giám đốc Dự án Hợp tác Văn hóa Việt-Nhật, cho hay.

|

Tàu chiến lớp Jiangwei II của Trung Quốc (ảnh trên) bị Nhật Bản cáo buộc đã dùng radar điều khiển hỏa lực nhắm bắn tàu chiến của Nhật, chiếc khu trục hạm Yuudachi (ảnh dưới) trên vùng biển Hoa Đông gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 30.1 - Ảnh: Reuters
|
Dòng vốn Nhật vào Đông Nam Á gia tăng
Theo Bloomberg, kinh tế các nước Đông Nam Á đã cho thấy một sự hồi sinh ấn tượng kể từ khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng. Ngân hàng Phát triển châu Á hồi tháng 12 đã tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 của khu vực Đông Nam Á từ 5,6% lên 5,9% vì nguồn chi tiêu ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng và sức tiêu dùng của khu vực này đã tăng mạnh thời gian qua.
Thitinan Pongsudhirak, Giáo sự thuộc trường đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nói rằng người Nhật “xem các nước Đông Nam Á như các đồng minh bẩm sinh”.
Trong năm 2012, các nhà xuất khẩu Nhật Bản đã xuất khẩu đến 130 tỷ USD sang các nước thành viên ASEAN, tăng gần 6% so với năm 2011. Trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu từ Nhật sang Trung Quốc lại giảm mạnh 10,4%, với tổng giá trị 144,7 tỷ USD, theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản.
Lượng hàng sản xuất của doanh nghiệp Nhật tại Đông Nam Á đang tăng mạnh. Toyota hồi tháng 11 thông báo cho biết sẽ tăng cường hoạt động sản xuất tại Indonesia.
Bridgestone, hãng sản xuất lốp xe có trụ sở tại thủ đô Tokyo, ngày 17.1 cho biết đã lên kế hoạch chi 40 triệu USD thành lập một trung tâm công nghệ mới tại Thái Lan.
Sau khi doanh số bán hàng tại Thái Lan đạt mức kỷ lục hồi năm 2012, Honda thông báo sẽ bỏ ra 476 triệu USD xây một nhà máy mới với sản lượng hàng năm ở mức 120.000 chiếc xe hơi.
Suzuki thì thông báo sẽ bắt đầu sản xuất xe tải tại Myanmar vào tháng 5.
Ông Takayuki Kimura, trưởng bộ phận kinh doanh tại châu Á của Nissan, cho biết: “Tại châu Á, mọi người rất ưa chuộng hàng hóa và nhà sản xuất Nhật”.
Hoàng Uy
>> Radar tàu tuần tra Trung Quốc đưa tàu chiến Nhật vào tầm ngắm bắn
>> Trung Quốc có 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
>> Nhật Bản lập hải đội canh phòng Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật Bản lo ngại Trung Quốc quân sự hóa đội tàu hải giám
>> Biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đe dọa kinh tế hai nước
>> Hàng loạt doanh nghiệp xe hơi Nhật đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc