(Tin Nóng) Chỉ mới hai tuần sau khi áp dụng việc đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30 (từ 15.10.2014), nhiều giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh đã phải kêu trời than khổ.

Thay điểm số bằng nhận xét, đánh giá có là một cách làm hay ? - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Bản thân bước cải cách này dường như cũng đang gặp phải nhiều vấn đề, nếu không nói là tắc tị...
Trước hết, chỉ nguyên việc nhiều giáo viên phải đối phó với cách đánh giá mới này bằng nhưng con mộc “vô hồn” mặt cười - mặt mếu cho thấy mức độ cảm xúc của các thầy cô với biện pháp giáo dục mới này. Nhiều người tự hỏi là việc phải phê là “hoàn thành” hay “không hoàn thành”, “mặt cười” hay “mặt mếu” thì có khác gì với điểm số và lời phê của giáo viên như trước ? Một giáo viên có tận tâm, nhiệt huyết thì mới có thể hao tâm tổn trí tỉ mỉ chấm bài cho từng em học sinh bằng điểm số, mới suy tính cẩn thận giữa việc phân biệt “hoàn thành” và “không hoàn thành” ở mức độ nào, chứ đâu phải là hành động máy móc là... đóng mộc?
Khá nhiều giáo viên đã lắc đầu ngao ngán trước việc hàng ngày phải buộc nhân bản hàng trăm những lời nhận xét “đường mật” đối với học sinh. Phải chăng những quan chức của bộ Giáo dục lâu nay không tin tưởng ở năng lực giáo dục và đánh học sinh của các giáo viên tiểu học nên mới đề ra cách đánh giá mới, đưa ra tài liệu dày cộp và thậm chí còn buộc các giáo viên phải đi học cách đánh giá mới này theo thông tư? Còn nếu bảo đó là xu hướng giáo dục tiên tiến có từ tận những năm 1980 của thế giới, thì vì sao cho đến giờ chúng vẫn chưa được đưa vào giáo trình giảng dạy của các trường sư phạm?
Theo một số giáo viên, sự “tắc tị” đang gặp phải khi ngành giáo dục triển khai thông tư này là ở phụ huynh. Nhiều phụ huynh không phải là dân tộc Kinh hay mù chữ, không thể đọc được lời nhận xét của giáo viên. Đối với các “lời phê” là điểm số, thì dù có mù chữ thì các bậc phụ huynh vẫn nắm được khả năng học tập của con em mình. Nhiều phụ huynh có học cũng rất hoang mang về việc đánh giá năng lực học hành của con em chỉ qua những lời nhận xét chung chung như thế.
Về phần học sinh, không phải em nào cũng vui mừng hân hoan với những ngày học không điểm số. Hãy nên nhớ rằng hiện giờ, do sự đầu tư của gia đình và xã hội, tỉ lệ các em học sinh khá giỏi ở các trường tiểu học là rất cao, học sinh trung bình hoặc yếu đang ở một tỉ lệ rất nhỏ. Đó là một thực tế đáng mừng chứ không hẳn đó là bệnh thành tích. Nhiều học sinh rất thích có được điểm số nên đã tỏ ra bị hụt hẫng khi chỉ nhận được lời đánh giá. Thế nên việc phân biệt được mức độ khá giỏi trong từng học sinh bằng điểm số là điều cần thiết để kích thích, khuyến khích sự phấn đấu của các em; chứ không phải là việc chạy theo “bệnh thành tích”.
Chỉ mới qua hai tuần vất vả chạy theo cách đánh giá mới, nhiều giáo viên đã cho rằng các cách đánh giá cào bằng này sẽ sớm làm nhụt đi tinh thần và ý chí phấn đấu của cả thầy lẫn trò trong các trường tiểu học. Khác với các quốc gia tiên tiến đã đi quá xa qua thời kỳ khó khăn, những nước nghèo như nước ta hẳn phải cần trui rèn tinh thần vượt khó vươn lên cho công dân ngay từ thời kỳ tuổi nhỏ.
Vì vậy, nên đóng dấu “mặt cười” hay “mặt mếu” cho cách đánh giá học sinh tiểu học mới này đây ?
Đoàn Đạt
>> TP.HCM cấm cho điểm học sinh lớp 1
>> Học sinh tiểu học phải thi TOEFL?
>> Học sinh nhịn đi vệ sinh vì WC của trường quá bẩn
>> Cử tri TP.HCM: Học sinh học nhiều đến mức tự kỷ