Liên quan vụ tranh chấp gia tài 1.000 tỉ đồng của bà P. (Q. Tân Phú, TP.HCM), báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6.6 thông tin: ông Ph. (em bà P.), đại diện cho các anh em ở nước ngoài, đã gửi đơn khởi kiện Sacombank.
>> Vụ tranh chấp tài sản 1.000 tỉ: ngân hàng giao tài sản cho chị L.
Theo đó, ông Ph. đòi Sacombank tiếp tục cho thuê ba ngăn tủ sắt ở ngân hàng để chứa khối tài sản của bà P., đồng thời không được tự ý mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba khi không có sự đồng ý của ông hoặc quyết định mở của cơ quan có thẩm quyền.
Tòa án nhân dân quận 3 đã nhận đơn kiện và đã yêu cầu ông Ph. đóng tạm ứng án phí là 200.000 đồng.

Một nhà xưởng do bà T.K.P để lại tại Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NLĐ
|
Ngày 5.6, một nguồn tin từ Sacombank cho Tuổi Trẻ biết toàn bộ các sổ tiết kiệm của bà P. - người chết để lại di sản thừa kế tới cả ngàn tỉ đồng - đã được bàn giao cho bà H.L. (con nuôi của bà P.).
Phía ngân hàng nói đã làm đúng quy trình pháp luật và bà H.L. có trách nhiệm trao đổi việc xử lý tài sản này với ông Ph., một trong hai người đứng tên thuê két sắt tại NH để giữ tài sản do bà P. để lại.
Giải thích lý do bàn giao tài sản cho bà H.L., nguồn tin trên khẳng định ngân hàng đã nỗ lực giúp các bên đi đến thống nhất hướng giải quyết, nhưng các bên vẫn không thống nhất nên ngân hàng giải quyết theo thông báo đã gửi cho các bên. Ngân hàng đã kéo dài thêm thời gian (đến cuối tháng 5.2012, thay vì kết thúc cuối tháng 3.2012) là tạo nhiều điều kiện cho ông Ph. có thời gian chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản. Nhưng sau khi gia hạn, ông Ph. đã không cung cấp được giấy tờ liên quan. Do vậy ngân hàng đã giao tài sản trong két sắt cho bà H.L.
Ngân hàng đã vi phạm
Theo Tuổi Trẻ, luật sư Lê Thị Hoài Giang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Sacombank không có cơ sở pháp lý để bàn giao tài sản cho một mình bà H.L. vì bà H.L chỉ là một trong hai người ký tên trong hợp đồng gửi tài sản (cùng với ông Ph.). Vì vậy, khi hết hạn hợp đồng, bên gửi giữ không tiếp tục gia hạn thì Sacombank trả lại tài sản cho bên gửi giữ (phải hai người cùng ký nhận). Sau khi ông Ph. và bà H.L. ký nhận lại tài sản đã gửi, việc tranh chấp hay giải quyết không còn thuộc trách nhiệm của Sacombank.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời thẩm phán Hoàng Văn Trung (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho rằng “việc làm đã nêu của ngân hàng đã vi phạm quyền quản lý tài sản của ông Ph.”. Cụ thể, theo thẩm phán Trung, trong trường hợp không thỏa thuận được việc gia hạn hay thanh lý hợp đồng thì ngân hàng nên tiếp tục gia hạn hợp đồng. Sau đó, ngân hàng có thể khởi kiện người không đồng ý thanh lý (ông Ph.) để tòa án quyết định việc chấm dứt hợp đồng.
Luật sư Huỳnh Tiến Sỹ (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: “Các bên phải căn cứ vào các quy định trong hợp đồng để giải quyết. Về nguyên tắc, hai người cùng ký hợp đồng thuê thì cả hai phải cùng ký hợp đồng thanh lý, cùng nhận tài sản và trả ngăn tủ cho ngân hàng. Nếu chỉ có một người thì ngân hàng không được bàn giao tài sản. Ông Ph. cần giữ lại bảng liệt kê danh mục tài sản để làm cơ sở khởi kiện trách nhiệm của ngân hàng nếu tài sản có thất thoát”.
Phân định chuyện thừa kế khối gia sản 1.000 tỉ
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TPHCM, khối tài sản này được nhìn nhận ở 2 góc độ:
Thứ nhất, hoàn toàn là tài sản riêng của bà P., thì đây là di sản thừa kế. Vì bà P. chết không để lại di chúc nên phần di sản này phải chia theo pháp luật (điều 675 Bộ Luật Dân sự - BLDS). Theo thông tin báo chí nêu thời gian qua thì chỉ có người con nuôi - cô H.L - là người có quyền thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Cô H.L sẽ thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng hoặc có thể ủy quyền cho người khác tiến hành. Cơ quan công chứng sẽ gửi thông báo xuống UBND phường nơi bà P. có hộ khẩu thường trú để thực hiện việc niêm yết 30 ngày. Trong thời gian này, nếu không có tranh chấp thì UBND phường thông báo để cơ quan công chứng lập văn bản xác nhận di sản thừa kế và người được hưởng. Căn cứ vào văn bản này, cô H.L sẽ chuyển chủ quyền đối với các tài sản là bất động sản và động sản, và có toàn quyền định đoạt số tài sản nêu trên.
Thứ hai, trong phần tài sản trên có liên quan đến anh em, họ hàng (phải có sự chứng minh hợp pháp, luật định và được cơ quan thẩm quyền xác nhận) thì phần tài sản liên quan này là tài sản chung và được chia cho các đồng sở hữu theo phần (điều 216 BLDS). Ai chứng minh được phần của mình thì được hưởng tương ứng. Phần còn lại là di sản thừa kế và được xử lý như trên.
Theo Người Lao Động
|
Anh Sơn (tổng hợp)