(Tin Nóng) Gương mặt hồn nhiên, trong sáng, khôi ngô, cậu bé Bo vẫn cười đùa trong vòng tay của những người xa lạ. Bé không có tên, không giấy khai sinh dù đã hai tuổi, chỉ được những người tạm cưu mang đặt cho cái tên ngẫu nhiên là Bo. Bé bị bỏ rơi trên một chiếc xe taxi giữa TP.HCM rạng sáng 2.12.

Bé Bo vui vẻ đùa giỡn với mọi người - Ảnh: Ngọc Lê
|
Điều nghịch lý là, cũng như bé Kim Ngân, cô bé bị mẹ và cha dượng hành hạ dã man hồi tháng 9.2014, “số phận” dường như bắt đầu mỉm cười với em khi em gặp nạn. Gần 20 gia đình đã sẵn sàng cưu mang cậu bé có nụ cười như một thiên thần nhỏ này. Cũng đã có hai người nhận là người thân của bé Bo đến xin cháu về tiếp tục nuôi dưỡng.
Cái “may” của bé Bo là em chỉ bị bỏ rơi thôi, chứ chưa bị hành hạ. Gần đây, hàng loạt vụ hành hạ trẻ em khá dã man liên tục xảy ra. Từ vụ bé Kim Ngân nói trên cho đến những vụ bé trai bị cha chất rơm đốt con bị phỏng nặng chỉ vì gói mì, vụ bé trai bị khoan vào “vùng kín”, vụ hai chú tiểu bị quản chùa đánh đập, và mới nhất là vụ hai anh em Huỳnh Văn Quốc (7 tuổi) và Huỳnh Quốc Em (2 tuổi) ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị nghi chích thuốc trừ sâu khiến bé Em thiệt mạng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trưa 3.12.
Điều gì đã xảy ra khiến trẻ em bị hành hạ, bị bỏ rơi với tần suất nhặt đến như vậy? Có một lý do kinh tế, xã hội nào đã dẫn đến nguyên nhân của các vụ bạo hành trên? Các nhà xã hội học đã gán ghép các vụ này cho một loạt tiến trình xã hội và cơ cấu, bao gồm các loại tiểu văn hoá gia đình sai lạc, các cấu trúc gia đình, sự bất bình đẳng...
Đa số các vụ bạo lực gia đình thường bị gây ra bởi những người đàn ông như các vụ việc vừa kể. Chính văn hoá coi đàn ông là trụ cột là một trong những nguyên nhân ấy. Một khi kinh tế khó khăn, những nhóm người thuộc tầng lớp kinh tế - xã hội thấp kém, khả năng thành công trong nghề nghiệp là giới hạn và họ thường có khuynh hướng dùng bạo lực để thể hiện nam tính, thể hiện vị thế “trụ cột” gia đình của mình, theo các nhà xã hội học.
Chính những bạo hành “mà không bị trừng phạt”, điều mà họ không thể thực hiện bất cứ ở đâu trong xã hội, là điều mà các ông bố tàn bạo muốn “vớt vát”, bù đắp những thất bại của mình trong xã hội. Và trẻ em hay phụ nữ, những nạn nhân thường xuyên của họ, khó có khả năng thoát khỏi hoặc bắt kẻ xâm hại mình phải trả giá.
Một nguyên nhân dẫn tới nạn bỏ rơi hay bạo hành trẻ em nữa là việc xã hội ngày càng xuất hiện nhiều dạng các gia đình “ngẫu hợp”. Những mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, đạo đức của các thành viên trong sự kết hợp ngẫu nhiên này đều ít nhiều có vấn đề khiến cho việc bạo hành hay bỏ rơi trẻ em (nhiều trẻ chỉ mới sinh hay còn ẵm ngửa) ngày càng tăng.
Cũng có khi việc bỏ rơi những “tiểu thiên thần” như trên là một điều bất đắc dĩ hay là nỗi đau khổ lớn của cha mẹ chúng, như trường hợp người mẹ của bé Bo. Thế nhưng Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở đâu, sao không thấy có tiếng nói gì trong những vụ việc đau lòng diễn ra gần đây?
Và có lẽ đã đến lúc xã hội cần tìm cách hạn chế hay chấm dứt những kiếp nạn bị bỏ rơi hay hành hạ này của các thiên thần nhỏ bé, như bé Bo, như hai anh em bị chích thuốc diệt cỏ...
Đoàn Đạt
>> Hai người xưng là người thân đến nhận bé 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi
>> Lên kế hoạch tìm người thân cho em bé 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi
>> Bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi giữa đêm
>> Phát hiện bé gái sơ sinh bị bỏ rơi
>> Lời khai của đôi vợ chồng hành hạ con ruột 4 tuổi chấn thương sọ não
>> Bị mẹ ép uống thuốc diệt cỏ, bé trai 11 tháng tuổi tử vong