(Tin Nóng) Những năm gần đây, khi Facebook được nhiều người biết đến sử dụng, nhiều bạn trẻ đã tận dụng nơi đây để mở những cửa hàng online.
Với lợi thế không tốn tiền mặt bằng, độ lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi, ít rủi ro, việc mở cửa hàng online, đặc biệt trên Facebook là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để kinh doanh.
Bày bán những mặt hàng không giống ai
Sinh ra ở Lâm Đồng, sống và lớn lên ở vùng có truyền thống đan, móc len, cô gái Lê Thị Tường Vy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, tự mở cho mình một “cửa hàng” trên Facebook để bán búp bê bằng len.
Các mẫu mã Tường Vy đưa hình ảnh lên trang mạng rất phong phú, hình các con vật, hình nhân vật hoạt hình được yêu thích,… Mẫu theo Vy được ưa chuộng nhất là các cặp cô dâu chú rể hoặc cặp đôi trai gái các loại. Đôi lúc, người đặt hàng còn có thể yêu cầu thay đổi một chút trang phục, kiểu dáng theo sở thích.
Vy cho biết, để cửa hàng phong phú hơn, Vy phải tự học thêm cách tạo hình để hấp dẫn người mua. Những hình ảnh mới về cách tạo hình, những búp bê xinh xắn, bắt mắt được cô liên tục cập nhật trên trang facebook của mình.

Những hình ảnh bắt mắt về các sản phẩm handmade được quảng cáo trên facebook - Ảnh chụp màn hình
|
Vy cho rằng thông qua trang mạng xã hội, sức lan tỏa đến mọi người rất nhanh. Thỉnh thoảng lại có người đặt hàng theo mẫu và nhờ chuyển qua đường bưu điện.
Với việc vừa học, vừa đan len theo đơn đặt hàng, Vy có thể tự mình xoay sở một số chi phí sinh hoạt, học hành mà không phải xin gia đình.
Cũng hướng đến những khách hàng thích sở hữu sản phẩm có một không hai, một nhóm 5 bạn trẻ từ 22 - 25 tuổi tự mở một “cửa hàng” be bé trên Facebook với tên gọi Giggle.
Những sản phẩm của cửa hàng này được coi là hàng không giống ai, vì các bạn trẻ tự nghĩ ra màu sắc, kiểu dáng và may bằng tay. Có khi đó là chiếc gối ôm hình con cú, con cá…; túi xách, móc chìa khóa,… hay tạp dề lạ mắt cho ngày 8.3.
Với sự pha trộn màu sắc, kiểu dáng mới mẻ hợp xu hướng lựa chọn của giới trẻ, những sản phẩm này rất được ưa uộng.
Nguyễn Thị Bảo Ngọc, một thành viên của nhóm, cho biết mỗi thành viên đều bận rộn với công việc của mình; nhưng do cùng sở thích may vá, sáng tạo nên mọi người tìm đến nhau và mở cửa hàng online để được làm việc họ yêu thích.
Nơi kinh doanh cho người ít vốn
Chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng online, Ngọc nói: “Do không có nhiều vốn, chưa có điều kiện để thuê mặt bằng nên cả nhóm kinh doanh chủ yếu qua mạng”.
Mặc dù kinh doanh qua mạng có nhiều lợi thế, nhưng theo Ngọc, việc kinh doanh muốn phát triển chắc chắn thì tương lai phải có cửa hàng để nhiều người ghé thăm. Được xem tận tay, tận mắt mặt hàng họ muốn mua thì mới dễ dàng bán hàng với số lượng lớn.

Các bạn trẻ thường chọn chợ phiên để khách hàng được xem tận mắt, cầm tận tay các sản phẩm, bên cạnh kinh doanh qua mạng xã hội - Ảnh: Hoàng Quyên
|
Cũng như nhóm bạn ở “cửa hàng” Giggle, Phan Bội Chi, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, cũng từng kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, chia sẻ: “Với những mặt hàng "độc", không dễ tìm khi đến các cửa hàng, bán qua mạng là cách dễ dàng được nhiều người biết đến. Thế nhưng một cửa hàng thật vẫn rất cần để kinh doanh ổn định”.
Theo Bội Chi, cửa hàng trên mạng sẽ thu hút chú ý của nhiều người ở khắp nơi, nhưng nguồn bạn hàng sẽ không ổn định và nhiều bằng cửa hàng thật.
Sắp tới, “cửa hàng” kinh doanh robot Danbo mà Bội Chi đang làm việc sẽ mở cửa hàng thật sau khi thu được một số vốn từ kinh doanh trên mạng.
Đặng Tiểu Thi, một bạn trẻ kinh doanh gấu bông, đồ trang sức,… cho biết: Ngoài việc kinh doanh qua mạng, để khuếch trương sản phẩm, nhóm của Thi cũng phải tìm đến nhiều hội chợ để các bạn trẻ được nhìn tận mắt, cầm tận tay sản phẩm. Vì thế, với Thi, nếu có đủ vốn, ngoài kinh doanh qua mạng, cô vẫn mong muốn mở một cửa hàng thật để mở rộng việc kinh doanh.
Hoàng Quyên
>> Sinh viên tạo nhóm tự kinh doanh
>> Sinh viên khởi nghiệp: kinh doanh nhỏ và tích lũy dần
>> Sẽ thu phí nghe nhạc online?
>> Học toán qua game online