Mẹ chị vốn nổi tiếng là người khó tính. Ngay khi em trai chị lấy vợ và hai vợ chồng trẻ sống chung với bố mẹ như một lẽ đương nhiên vì cậu ấy là em út, lại là con trai duy nhất trong nhà, thì chị đã thầm lo, không biết rồi câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu cơm không lành, canh không ngọt có xảy ra trong nhà chị hay không.

Minh họa: Văn Nguyễn
|
Nhớ hồi mới cưới, em trai chị vì biết tính mẹ và cũng biết tính vợ mình, nên đã rụt rè đưa ra ý kiến: “Hay là cái nhà bên quận 4 để không, tụi con sang đấy ở”. Nhưng mẹ chị gạt phắt: “Không ở riêng ở tư gì hết. Ở với ba mẹ!”.
Chị cũng không dám ủng hộ em trai, dù chị lo rằng mẹ chị “hứa hẹn” sẽ là bà mẹ chồng khó tính. Trong khi đó, khi biết chồng đề nghị ở riêng, em dâu chị mắt tròn xoe: “Ở với ba mẹ chứ anh, sao anh lại đề nghị thế? Em thích ở với ba mẹ mà!”.
Chị thầm nghĩ em dâu cũng hồn hậu và hơi... dại. Hơn ai hết, chị biết tính mẹ mình. Bà nổi tiếng là người cẩn thận, kỹ tính, nên bắt những người xung quanh cũng phải kỹ theo. Chị và em trai, cùng cả ba chị luôn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo của mẹ về vệ sinh, về cách thức sinh hoạt, nói năng, lễ nghĩa. Bà hay nhắc nhở, kiểm tra, bắt lỗi, mà lỡ ai phản ứng thì bà có những cách “điều chỉnh” rất nghiêm, thậm chí bà còn có những “chiêu” như tự bỏ ăn mấy ngày, im lặng hàng tuần... làm cả nhà ai cũng sợ. Ngay cả khi chị lấy chồng, ở gần nhà mẹ, cũng thường xuyên bị mẹ qua kiểm tra, chê trách, mắng mỏ.
Bà tháo vát, chỉn chu, nấu ăn giỏi theo hương vị Bắc quê gốc của bà. Trong khi đó, em dâu chị là người Nam, còn quá trẻ, mà như mẹ cô ấy nói thì “cháu chỉ biết học nên đoảng lắm, chẳng biết việc gì”. Ngày đầu tiên về làm dâu, cô ấy hớn hở với căn phòng riêng của mình, bày biện tứ tung các loại sách vở, dụng cụ thể dục, đồ hi-tech như một trận chiến; còn buổi đầu vào bếp thì tất cả những chai lọ gia vị của mẹ chồng bị đảo lộn; khi ăn cơm ríu rít khen món ngon chê món dở mà còn cười rinh rích trong lúc bố chị nghiêm mặt, nhíu mày... Là chị thì đã nghe một “bài” chì chiết của mẹ rồi. Chị thấy hoảng, góp ý nhỏ với em dâu, nhưng cũng không hy vọng cô ấy làm theo được ý mẹ.
Thế nhưng, thời gian dần trôi, chị ngạc nhiên khi thấy em dâu vẫn vui tươi, chẳng stress như chị nghĩ. Và mẹ thì không như chị tưởng, rằng sẽ rất ngao ngán, sẽ than thở, sẽ bực bội khó chịu và dỗi kiểu “biện pháp mạnh”. Ngược lại, mẹ chị nói về những khuyết điểm của con dâu với vẻ bao dung, độ lượng, thậm chí còn khen điều này điều nọ, cứ như em dâu chị là con gái bà, đến nỗi chị cũng ganh tỵ. Chị quan sát và nhận ra em dâu chiếm cảm tình của mẹ chẳng phải bằng những cố gắng cật lực chạy theo yêu cầu của bà như chị lâu nay, mà là sự hồn nhiên chân tình và nhất là đề cao cái tốt, cái hay của mẹ. Cô ấy cũng có ý thức sửa những gì chưa chuẩn mực của bản thân, nhưng cái chính là cô ấy lúc nào cũng “Dạ, thưa mẹ...”, “Con sẽ cố ạ”, “Mẹ tuyệt vời thật, con sẽ học theo”... Cô ấy cứ “Mẹ ơi, mẹ à”, có lúc nhõng nhẽo nhờ mẹ cái nọ cái kia, có lúc đi làm về chạy ào vào khoe mẹ, từ chuyện công việc đến chuyện cà phê cà pháo, chuyện thời trang...
Buổi tối, nhiều khi chồng đi công tác, ngồi xem ti vi với mẹ chồng, cô ấy tỉ mẩn xoa bóp tay chân cho mẹ, thủ thỉ rù rì. Có hôm chị còn nghe mẹ khoe con dâu chở mẹ đi xem phim rạp, đi tập yoga, đi học làm bánh... những điều mà trước đây chị không nghĩ mẹ lại thích, lại chịu đi.
Giờ thì mẹ không chỉ hiền với con dâu, mẹ hay cười hơn và mềm tính với cả nhà. Ba chị cũng không khỏi ngạc nhiên, thú vị.
Hải Anh
>> Chọn bố hay mẹ ?
>> Mẹ vợ kiểu cũ
>> Sống trong gầm chạn