(Tin Nóng) Ngày 8.4, Ấn Độ cho biết sẽ triển khai các máy bay không người lái (UAV) giám sát một khu bảo tồn ở miền đông bắc, nhằm bảo vệ loài tê giác một sừng khỏi nạn săn bắt trộm, theo hãng tin AFP.

Giới chức kiểm lâm Ấn Độ thao tác sử dụng UAV tại Vườn Quốc gia Kaziranga ngày 8.4 - Ảnh: AFP
|
Các UAV mang lại cho lực lượng tuần tra một lợi thế mới, cho phép họ tiếp cận những khu vực không thể đến được trước đó và theo dõi các hoạt động bất hợp pháp trên mặt đất.
Các quan chức an ninh ngày 8.4 đã cho thực hiện các chuyến bay bằng UAV trên bầu trời Vườn Quốc gia Kaziranga tại bang Assam. Các UAV được trang bị camera và được các nhân viên an ninhgiám sát. Họ thừa nhận nếu không có UAV thì khó bảo vệ chắc chắn toàn bộ khu bảo tồn rộng 480 km vuông cách Guwahati, thành phố lớn nhất bang Assam, khoảng 200 km.
Ông Rokybul Hussain, Bộ trưởng Lâm nghiệp và Môi trường của bang Assam cho biết, đây là lần đầu tiên công nghệ UAV được sử dụng để bảo vệ động vật hoang dã ở Ấn Độ. “Sự hiện diện của các UAV sẽ đóng vai trò như một công cụ ngăn chặn đối với các tay săn bắt trộm, do họ biết rằng vườn quốc gia sẽ được giám sát cả ở mặt đất và trên không trung”, ông Hussain nhấn mạnh.
Các chiến dịch tuần tra thường xuyên bằng UAV sẽ bắt đầu ngay sau khi có sự phê chuẩn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Một con tê giác bị bọn săn trộm giết lấy sừng ở Burapahar, Ấn Độ - Ảnh: PTI
|
Cũng theo ông Hussain, chính quyền trung ương Ấn Độ sẽ sớm điều tra sự gia tăng đột biến nạn săn bắt tê giác bất hợp pháp trong năm nay. Trong hơn 3 tháng đầu năm nay, đã có 16 con tê giác bị giết, trong khi cả năm ngoái có 22 con bị săn bắt trộm.
Các thị trường chính của sừng tê giác là Trung Quốc và Đông Nam Á, nơi sừng tê được cho là có công dụng chữa bệnh và làm trang sức.
Một cuộc khảo sát thực hiện tại Vườn Quốc gia Kaziranga cách đây 2 tuần cho thấy số lượng tê giác ở khu bảo tồn này đã tăng từ 2.290 con năm 2012 lên 2.329 trong năm nay, theo AP.
Trong những tuần gần đây, cơ quan phụ trách động vật hoang dã đã triển khai 300 nhân viên vũ trang để bảo vệ tê giác ở Kaziranga, nhưng lực lượng này không thể so với các băng nhóm săn bắt có tổ chức và rất táo tợn.
Trùng Quang
>> Cấm nhập khẩu mẫu vật tê giác
>> Bị húc xuyên ngực vì chụp hình với tê giác
>> Phát hiện hơn 16kg sừng tê giác châu Phi nhập lậu
>> Một người Việt nhập lậu sừng tê giác bị bắt tại Thái Lan
>> Phân nửa thợ săn tê giác ở Nam Phi là người Việt
>> Phát hiện hai vụ vận chuyển sừng nghi là sừng tê giác
>> Cảnh giác trò lừa đảo "rủ" nuôi tê giác lấy sừng
>> Tê giác của ông Trầm Bê xuất xứ từ Nam Phi
>> Sừng tê giác của ông Trầm Bê có hợp pháp?