Kênh CBS News hôm 11.6 đã tường thuật về báo cáo của Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó cho biết một số cuộc điều tra các vụ bê bối gần đây đã bị tác động, thao túng hoặc đơn giản là hủy bỏ.
Báo cáo mà CBS News tiếp cận được đã dẫn ra 8 trường hợp tiêu biểu. Trong đó đó là các cáo buộc về việc một nhân viên an ninh ngoại giao ở Beirut (Li Băng) tấn công tình dục một công dân nước ngoài làm nhân viên bảo vệ tại tòa đại sứ và một cận vệ của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton mua dâm gái điếm trong một chuyến công du chính thức ở nước ngoài.
Thời gian xảy ra các vụ việc nói trên thuộc thời kỳ lãnh đạo của bà Clinton. Điều này đặt ra khả năng một vụ bê bối lan rộng khi đó có thể ảnh hưởng xấu đến thành tích của bà cũng như những tham vọng chính trị về sau, chẳng hạn như tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Báo cáo cũng tiết lộ chi tiết về một đường dây buôn ma túy hoạt động gần tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad (Iraq) và cung cấp ma túy cho các nhà thầu an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: AFP
|
Bà Aurelia Fedenisn, điều tra viên thuộc Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao, nói với CBS News: “Chúng tôi cũng khám phá nhiều cáo buộc về các vi phạm hình sự trong vài trường hợp, một số đó chẳng bao giờ thành án”.
Trong một trường hợp bưng bít cụ thể, các nhân viên ngoại giao nói với Văn phòng Tổng thanh tra rằng họ bị yêu cầu ngưng điều tra trường hợp một đại sứ Mỹ giữ vị trí ngoại giao nhạy cảm bị nghi ngờ thường xuyên “đi lại” với gái điếm ở công viên.
Báo cáo của Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao đề cập đến cuộc điều tra năm 2011 về một đại sứ thường xuyên bỏ rơi đội cận vệ nhằm “gạ gẫm tình dục với gái điếm”.
Các nguồn tin nói với CBS News rằng sau khi các cáo buộc xuất hiện, viên đại sứ được triệu tập về Washington để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Patrick Kennedy song được phép quay trở lại nhiệm vụ.
Ông Mike Pohelitz, một cựu đặc vụ cao cấp ở Cục An ninh Ngoại giao (DSS) từng phụ trách điều tra một trong các trường hợp kể trên nói ông bị yêu cầu ngưng điều tra về một trường hợp và mệnh lệnh chắc chắn phải cấp cao hơn DSS.
Tuy nhiên, trong báo cáo cuối cùng, mọi đề cập về những trường hợp cụ thể đã bị xóa bỏ.
Bà Fedenisn, một đặc vụ của DSS trong 26 năm, nằm trong nhóm điều tra soạn ra báo cáo nói trên và hiện là người công khai thông tin về vụ việc này.
DSS cũng là cơ quan phụ trách điều tra vụ cựu nhân viên lãnh sự Michael T. Sestak tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM “bán” visa.
Theo AP, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về bất kỳ trường hợp cụ thể nào được đề cập trong báo cáo, vì lý do bí mật đời tư.
Tuy nhiên, người phát ngôn Jen Psaki nói: “Chúng tôi đón nhận các cáo buộc vi phạm một cách nghiêm túc và chúng tôi điều tra thấu đáo. Mọi trường hợp được đề cập trong báo cáo của CBS News đã được điều tra thấu đáo hoặc đang được điều tra”, bà Psaki nói.
Sơn Duân
>> Báo Anh, Mỹ tiết lộ nguồn cấp tin theo dõi internet
>> Vụ bê bối tình dục của quan chức CIA lên phim Hollywood
>> Chủ nhân Wikileaks chỉ đường chạy cho cựu điệp viên CIA
>> 29.000 chữ ký bảo vệ cựu nhân viên CIA Edward Snowden