(Tin Nóng) Tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, không phải bằng những hành vi hung hăng bắt nạt của một nước lớn hơn đối với nước nhỏ hơn, đó là phát biểu của ông Ben Rhodes, phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ ngày 1.7 tại Washington, báo Philstar (Philippines) ngày 4.7 cho biết.

Tàu Trung Quốc (trái) hung hãn tấn công tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép - Ảnh: Độc Lập
|
Trước đó, tại cuộc họp báo ở Trung tâm báo chí nước ngoài (thủ đô Washington) ngày 1.7 (giờ địa phương), khi phóng viên báo Asahi Shimbun (Nhật) hỏi về việc liệu Mỹ có nêu vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông, biển Hoa Đông trong Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung sắp tới, cũng như chiến lược của Mỹ với các tranh chấp này, ông Rhodes nói: “Quan điểm của chúng tôi đơn giản là không muốn nhìn thấy thấy quá trình mà một quốc gia lớn có thể bắt nạt một nước nhỏ hơn về tranh chấp lãnh thổ”.
Ông Rhodes cho biết thêm, tranh chấp lãnh thổ, an ninh hàng hải là một trọng tâm không chỉ trong các cuộc hội thoại song phương của Mỹ với Trung Quốc mà với cả khu vực nói chung. Các nguyên tắc mà Mỹ áp dụng là không muốn các quốc gia cố gắng giải quyết những tranh chấp thông qua dùng bạo lực. Có những phương tiện pháp lý quốc tế để giải quyết những tranh chấp này. Cần có các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử trên biển (CoC) để tránh sự leo thang không cần thiết, giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Và điều này chắc chắn sẽ là một chủ đề tại cuộc đối thoại Mỹ - Trung sắp tới.
Ông Rhodes cũng nói rằng các nước nên làm việc cùng nhau để tránh xảy ra các tính toán sai lầm, tránh một cuộc đối đầu mà không bên nào muốn, và tìm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, như Philippines đã theo đuổi khi đưa vụ việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra trọng tài quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng dù Mỹ không phải là một bên có liên quan tranh chấp, nhưng Mỹ có lợi ích rõ ràng trong việc tự do thương mại và ổn định của khu vực.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc không ‘bắt nạt’ các nước nhỏ trong việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ - Ảnh: Mai Thanh Hải
|

Một cú lao hung tợn của tàu Trung Quốc (trái) vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần khu vực giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép - Ảnh: Trung Hiếu
|
Những hành vi gây hấn của Trung Quốc với các nước ở Biển Đông, biển Hoa Đông đã làm tình hình khu vực thêm bất ổn. Mới nhất là vụ Trung Quốc gây căng thẳng với Việt Nam qua việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam, và cản trở Philippines tiếp cận các bãi đá ở biển Đông.
Trung Quốc cũng thường đưa tàu, máy bay vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, đơn phương lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông từ tháng 11.2013.
Vì vậy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định diễn dịch lại Điều 9 Hiến pháp để gia tăng vai trò rộng lớn hơn của quân đội Nhật Bản, và được Nội các Nhật chấp thuận ngày 1.7, chỉ còn chờ Quốc hội phê chuẩn.
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, ông Rhodes nói rằng Mỹ hoan nghênh Nhật Bản đóng vai trò ngày càng gia tăng trong việc hỗ trợ cho hoà bình và an ninh quốc tế, đóng góp cho liên minh song phương Mỹ - Nhật.
Ông Rhodes còn cho rằng việc Nhật Bản đóng một vai trò quyết đoán hơn trong một khu vực đang căng thẳng là vì lợi ích của khu vực này.
Tin Nóng
>> Vì sao Nhật đòi quyền tự vệ tập thể ?
>> Báo Đức: Quyền tự vệ tập thể của Nhật có thể gồm Việt Nam, Philippines
>> Nội các Nhật thông qua nghị quyết cho phép đưa quân ra nước ngoài
>> Hoàng Sa 3.7: Trung Quốc điều 7 tàu chiến bảo vệ giàn khoan trái phép
>> Hoàng Sa 30.6: Hai máy bay trinh sát Mỹ bay ngang giàn khoan Hải Dương-981
>> Hoàng Sa ngày 23.6: Năm tàu Trung Quốc đâm tàu Kiểm ngư Việt Nam