Hàng ngày, các thành viên Hiệp hội Bảo vệ Không gian Nhật Bản tập trung nhìn lên bầu trời ở độ cao 36.000 km trên khu vực xích đạo, để thực hiện nghiêm túc công việc của mình: bảo vệ các vệ tinh của Nhật khỏi va chạm với rác vũ trụ.
 Trụ sở của Hiệp hội Bảo vệ Không gian Nhật Bản tọa lạc ở một ngọn đồi ở Ibara, thuộc tỉnh Okayama. Khu vực này nổi tiếng là một trong những nơi có bầu trời buổi tối rất đen, ít thấy sao, và ban ngày thì rất trong xanh, lại ít mưa, vốn là điều kiện lý tưởng cho những “vệ sĩ canh gác không gian” Nhật Bản - Ảnh: The Japan Times
|
“Do trọng lực của Trái đất, bầu trời tại Ấn Độ Dương là một “nấm mồ”, nơi tụ tập của các vệ tinh cũ đã hết hạn dùng. Nếu phát hiện thấy một vệ tinh cũ bay theo hướng có khả năng va chạm với vệ tinh Nhật, chúng tôi sẽ di chuyển vệ tinh Nhật đi nơi khác”, Noritsugu Takahashi, Chủ tịch hiệp hội nói trên, giải thích với báo Japan Times (Nhật Bản).
Hiệp hội của Takahashi, vốn là một tổ chức phi lợi nhuận, thành lập vào năm 1996 với mục đích theo dõi bầu trời nhằm kịp thời phát hiện những mối hiểm họa đối với Trái Đất đến từ không gian, như thiên thạch hay sao băng.
Ông Takahashi, 54 tuổi, diễn giải cách thức “canh gác” bầu trời như sau: “Thông qua máy vi tính, chúng tôi điều khiển máy quay sử dụng chip cảm biến CCD được cài đặt trong kính viễn vọng để chụp nhiều hình ảnh của cùng một địa điểm trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, bằng cách xếp lớp các hình ảnh và thông qua phân tích, chúng tôi có thể phát hiện ra những thứ đang di chuyển”.
Hiệp hội Bảo vệ Không gian Nhật Bản đến nay đã phát hiện khoảng 1.000 thiên thạch và luôn giữ liên lạc với các tổ chức cùng mục đích ở châu Âu và Mỹ để chia sẻ thông tin.
Do được Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) tin tưởng nhờ vào thành tích nói trên, hiệp hội này đã được cấp phép bảo vệ các vệ tinh thông tin, dự báo và khảo sát thời tiết của Nhật đang hoạt động trong không gian.
Khi phát hiện thấy vệ tinh hay rác vũ trụ tiến đến gần các vệ tinh của Nhật, Hiệp hội Bảo vệ Không gian sẽ báo với JAXA để cơ quan này sớm có biện pháp xử lý.
 Hiệp hội Bảo vệ Không gian Nhật Bản được thành lập nhằm theo dõi bầu trời để phát hiện những hiểm họa đến từ không gian, chẳng hạn như thiên thạch - Ảnh: Reuters
|
“Chúng tôi cũng có thể nhanh chóng tính toán ra kích thước và hình thù của các vật thể (vệ tinh hay rác vũ trụ) thông qua cách chúng di chuyển và thông qua việc điều chỉnh độ sáng của các bức hình. Phương pháp nhận diện của chúng tôi có thể được xem là một trong những phương pháp tốt nhất thế giới”, ông Takahashi tự hào nói.
Phi hành gia Nhật Bản Soichi Noguchi thì cho hay các mảnh rác vũ trụ có thể di chuyển với tốc độ từ 7 - 8 km/giây ngoài không gian, nên “chúng có thể xuyên phá những vật nằm trên đường chúng đi”.
Hoàng Uy
>> Vệ tinh của Triều Tiên “đã vào quỹ đạo”
>> Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh từ 10 - 29.12
>> Mỹ giải mật hồ sơ trục vớt vệ tinh do thám Hexagon
>> Vệ tinh mini của Việt Nam vào quỹ đạo tối 4.10
>> Sứ mệnh vệ tinh F-1
>> Hàn Quốc hoãn phóng vệ tinh do trục trặc kỹ thuật
>> Không lực Mỹ phóng thành công máy bay vũ trụ X-37B
>> Trung tâm vũ trụ hàng đầu Đông Nam Á