Việc thu phí đường bộ qua phương tiện và tăng mức phí tại các trạm thu phí được thực hiện gấp gáp trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay là giải pháp không phù hợp.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho rằng theo lộ trình tăng phí tại các trạm thu phí đường bộ mà Chính phủ cho phép, mức tăng từ 1,5 - 3,5 lần là quá lớn, nảy sinh tình trạng phí chồng phí gây khó khăn cho DN, cuối cùng người dân phải gánh chịu.
 Gánh nặng chi phí lên phương tiện vận tải và người dân - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trong mức phí tại các trạm thu phí BOT đã có khoản phí bảo trì công trình đường bộ. Nếu nhà nước tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện thì khi xe đi qua các trạm thu phí này sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết ngày 3.12, đại diện cho hàng trăm DN, hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Tài chính, phản ánh hàng loạt khó khăn của DN vận tải khi triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ.
Lý do là trước đó, ngày 15.11, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về thu phí sử dụng đường bộ với quá nhiều nội dung không phù hợp với thực tế, khiến các DN vận tải sẽ gặp nhiều khó khăn khi việc thu phí chính thức áp dụng từ ngày 1.1.2013.
Đơn cử như quy định về đối tượng thu phí đối với xe ô tô gồm: “máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo”. Như vậy, quy định trên đã tách một xe tổ hợp đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc thành 2 “đối tượng chịu phí”. Nghĩa là, các DN vận tải bị “thu phí kép” hai lần trên một phương tiện.
Một bất hợp lý nữa là quy định trường hợp xe không sử dụng vẫn phải đóng phí. Cụ thể, xe bị tịch thu, tạm giữ dưới 29 ngày; xe dừng do thiên tai, dịch họa; tạm dừng do không hàng; thiếu lái xe chưa tuyển dụng kịp; xe dừng để duy tu, bảo dưỡng; DN tạm dừng hoạt động... cũng phải nộp phí bảo trì đường bộ.
Ngoài ra, quy định “phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe” gây khó cho DN, vì DN phải nộp phí trước cho nhà nước rồi mới sử dụng dịch vụ sau.
Phí sử dụng đường bộ thu ra sao ?
Theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15.11.2012 hướng dẫn về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, mức phí thấp nhất đối với xe mô tô là 50.000 đồng/năm và cao nhất với ô tô là 12,48 triệu đồng/năm.
Căn cứ mức thu phí trên, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp và UBND xã, phường, thị trấn thu phí đối với mô tô của tổ chức và cá nhân trên địa bàn.
Với ô tô, mức thu phí đường bộ được chia làm 11 loại: xe dưới 10 chỗ đăng ký cá nhân có mức thu 130.000 đồng/tháng và cả năm là 1,56 triệu đồng. Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên có mức thu cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng hoặc 12,48 triệu đồng/năm. |
Mai Vọng - Đình Mười
>> Phí sử dụng đường bộ: Miễn cho hộ nghèo
>> Gánh nặng phí đè lên DN thức ăn chăn nuôi
>> Ma trận trạm thu phí
>> Quốc lộ 1 và 14: sẽ tăng mức thu phí lên 3,5 lần
>> Loạn trạm thu phí: 10 km, 5 trạm