Vụ đột kích giải thoát con tin tại Algeria vừa qua đã có một kết cuộc đẫm máu với số con tin thiệt mạng lên đến 37 người và hàng chục người khác mất tích.
Tạp chí Wall Street Journal (Mỹ) tổng hợp những vụ khủng hoảng con tin quốc tế gây chấn động nhất trong vòng 40 năm qua.
1. Thảm sát tại Olympic Munich, tháng 12.1972
Ngày 5.9.1972, nhóm khủng bố Tháng Chín đen đột nhập vào làng Olympic Munich, CHLB Đức, bắt cóc 11 vận động viên Israel làm con tin. Bọn chúng yêu cầu thả 234 tù nhân Palestine bị giam ở các nhà tù Israel để đổi lấy mạng sống các con tin này.

Khu làng Olympic Munich 1972, nơi 11 vận động viên Israel bị bắt cóc - Ảnh chụp màn hình đài ABC
|
Tuy nhiên, chính phủ Israel từ chối. Kết cục là hai vận động viên Israel bị giết tại làng Olympic Munich. Sau đó, nhóm khủng bố đưa 9 vận động viên Israel còn lại đến sân bay Munich, yêu cầu cảnh sát cung cấp một chiếc máy bay để bọn chúng tẩu thoát.
Người Đức đã từ chối đàm phán và nổ súng tấn công. Bọn khủng bố bắn trả rồi bắn chết 9 vận động viên bị bắt làm con tin, 5 tên khủng bố bị tiêu diệt tại chỗ.

Chân dung 11 vận động viên Israel bị giết hại tại Olympic Munich 1972 - Ảnh: Reuters
|
2. Vụ cướp máy bay hàng không Air France, Pháp, tháng 6.1976
Ngày 27.6.1976, một nhóm thành viên tổ chức Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine đã khống chế một chiếc máy bay của Air France với 248 hành khách và buộc phi công bay đến thành phố Entebbe (Uganda).

Hành khách sống sót trên chuyến bay Air France xuất hiện tại sân bay Ben Gurion (Israel) sau khi vụ không tặc kết thúc - Ảnh: Getty Images
|
Nhóm không tặc tách hành khách người Israel ra thành nhóm riêng và dồn họ sang một khoang, rồi thả những hành khách không phải người Israel.
Còn lại hơn 100 con tin Do Thái, bao gồm cả phi công Bacos không phải người Israel, bị giữ lại và nhóm bắt cóc dọa sẽ hành quyết toàn bộ nếu chính phủ Israel không thả một lượng lớn tù nhân Palestine.
Quân đội Israel sau đó kết hợp với phía Uganda triển khai chiến dịch giải cứu kéo dài 90 phút. Năm biệt kích Israel bị thương và Trung tá Yonatan Netanyahu, anh trai của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thiệt mạng trong chiến dịch.
Toàn bộ nhóm không tặc bị tiêu diệt, có ba con tin Israel và 45 binh sĩ Uganda thiệt mạng.
3. Chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Iran, 1979

Một nhóm sinh viên đang trèo vào Đại sứ quán Mỹ - Ảnh: AFP
|
Vào ngày 4.11.1979, với sự ủng hộ của phong trào Cách mạng Iran, một nhóm sinh viên tràn vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, thủ đô Iran, bắt giữ 65 người Mỹ làm con tin.
Vào tháng 1.1981, toàn bộ con tin được thả sau 444 ngày giam giữ. Vụ bắt cóc này được xem như “bước ngoặc” đánh dấu sự thay đổi từ bình thường sang thù địch trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Iran và Mỹ.
4. Tấn công Đại sứ quán Iran tại Anh, tháng 4.1980

Một con tin đang tìm cách nhảy khỏi ban công tòa đại sứ Iran ở London, với sự yểm trợ của một đặc nhiệm Anh - Ảnh: AFP
|
Tháng 4.1980, một nhóm phiến quân Iran đã đột nhập Đại sứ quán Iran tại London, thủ đô nước Anh, khống chế 26 con tin.
Nhóm bắt cóc yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị đang bị giam tại Iran. Đã có hai con tin thiệt mạng trong vụ bắt giữ kéo dài sáu ngày.
5. Bắt cóc phóng viên hãng tin AP tại Beirut, tháng 3.1985

Terry Anderson lúc bị giam - Ảnh: Getty
|
Ngày 16.3.1985, sau khi chơi xong một trận tennis, phóng viên Terry Anderson của hãng tin AP bị bắt cóc ngay trên đường phố Beirut (Li Băng).
Ông bị bỏ vào trong cốp xe và đưa đến một địa điểm bí mật.
Trong vòng sáu năm và chín tháng sau đó, Anderson bị giam cầm và liên tục bị dời đến nhiều địa điểm khác.
Tổ chức bắt cóc ông là một nhóm phiến quân Hồi giáo Hezbollah dòng Shiite, phản đối lực lượng Mỹ đồn trú tại Li Băng.
Anderson được trả tự do vào ngày 4.12.1991.
Ông sau đó tuyên bố tha thứ cho những người giam giữ mình.
6. Đột kích nhà đại sứ Nhật Bản tại Peru, tháng 12.1996
Ngày 17.12.1996, 14 thành viên thuộc Phong trào Giải phóng Tupac Amaru (MRTA) đã đột nhập vào một bữa tiệc diễn ra ở tòa nhà đại sứ Nhật Bản tại Peru, bắt giữ hàng trăm con tin, bao gồm các quan chức ngoại giao cấp cao, sĩ quan quân đội và lãnh đạo doanh nghiệp.

Lính đặc nhiệm Peru tràn vào khu nhà của đại sứ Nhật Bản, nơi 14 thành viên MRTA giam giữ con tin - Ảnh: gatewaytopolitics.blogspot.com
|
Vụ khủng hoảng con tin nói trên kết thúc sau 126 ngày, sau khi quân đội Peru tấn công vào khu nhà. Toàn bộ 14 thành viên MRTA bị tiêu diệt và một con tin thiệt mạng.
7. Bắt cóc phóng viên Mỹ tại Pakistan, tháng 1.2002
Daniel Pearl, phóng viên tờ Wall Street Journal (Mỹ), bị bắt cóc ngày 23.1.2002, khi đang tác nghiệp tại Pakistan.

Hình ảnh phóng viên Daniel Pearl lúc bị giam giữ, do nhóm bắt cóc công bố - Ảnh: Reuters
|
Vào tháng 2.2002, một đoạn video ghi lại hình ảnh Pearl bị chặt đầu được công bố và ba tháng sau, thi thể của phóng viên xấu số này được tìm thấy ở ngoại ô thành phố Karachi, Pakistan.
Khalid Sheikh Mohammed, thành viên cấp cao của Al Qaeda và là “đạo diễn” vụ khủng bố 11.9 tại Mỹ, tuyên bố hắn đã tự tay hành quyết Pearl.
8. Bắt cóc chính trị gia tại Colombia, tháng 2.2002
Nữ chính trị gia nổi tiếng người Colombia, Ingrid Betancourt bị Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) bắt cóc và giam giữ suốt 6 năm rưỡi.

Hình ảnh bà Ingrid Betancourt chụp ngày 30.11.2007, trong khi bị giam giữ - Ảnh: Reuters
|
Cựu ứng viên tổng thống này được lực lượng an ninh Colombia giải cứu vào ngày 2.7.2008.
Cùng bị bắt cóc với bà còn có 14 con tin khác, gồm ba người Mỹ, và 11 cảnh sát và binh lính Colombia.
Vụ bắt cóc được cả thế giới quan tâm, đặc biệt tại Pháp, nơi bà Betancourt có quốc tịch Pháp sau khi lấy một quan chức ngoại giao Pháp.
Bà cũng được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2008.
9. Bắt cóc con tin tại Nhà hát thủ đô Moscow, Nga, tháng 10.2002

Đặc nhiệm Nga bế con tin ra khỏi nhà hát sau khi tấn công bên trong bằng hơi cay - Ảnh: AFP
|
Một nhóm phiến quân Chechnya đã xông vào nhà hát Dubrovka ở thủ đô Moscow (Nga) ngày 23.10.2002, bắt giữ hơn 800 con tin và dọa sẽ cho nổ tung nhà hát nếu chính phủ Nga không rút quân khỏi Chechnya.
Chính phủ Nga sau đó đã cho đặc nhiệm tấn công vào nhà hát với lựu đạn cay nhằm làm choáng các tay súng.
Hậu quả là toàn bộ nhóm phiến quân bị hạ sát, nhưng ít nhất 117 con tin thiệt mạng vì ngộ độc khói.
10 Thảm sát tại trường học Beslan, Nga, tháng 9.2004

Một thành viên lực lượng giải cứu con tin cõng một bé trai bị thương ra khỏi trường học Beslan - Ảnh: AFP
|
Hai xe tải chở đầy phiến quân Chechnya tràn vào một trường học ở thị trấn Beslan (Nga) ngay ngày khai giảng 1.9.2004, bắt cóc toàn bộ học sinh, gây áp lực buộc Nga rút quân khỏi Chechnya.
Hơn 1.100 con tin bị giam giữ trong ba ngày trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống.
Vụ bắt cóc kết thúc bi thảm với ít nhất 334 con tin bị thiệt mạng, hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
Hoàng Uy
>> Algeria: 37 con tin nước ngoài thiệt mạng
>> Số người chết trong vụ khủng hoảng con tin ở Algeria lên 81
>> Kết thúc khủng hoảng con tin ở Algeria: 23 con tin thiệt mạng
>> Khủng hoảng con tin ở Algeria: 12 con tin bị chết
>> Chưa rõ về số con tin bị giết và giải thoát ở Algeria
>> Quân đội Algeria tấn công nhóm cầm giữ con tin, 35 con tin thiệt mạng
>> Giải cứu bất thành, cả biệt kích và con tin Pháp bị giết
>> Trung Quốc: 70.000 đứa trẻ bị bắt cóc/năm
>> Giải cứu cháu bé bị bắt cóc trong 10 giờ
>> Đột kích nhà nghỉ, giải cứu cháu bé 11 tuổi bị bắt cóc
>> Công bố hồ sơ vụ thảm sát Olympic Munich 1972