(Tin Nóng) Nhiều ý kiến của các chuyên gia nước ngoài cho rằng Mỹ khó can thiệp vào cuộc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh vụ giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cuối cùng Mỹ sẽ can dự để đảm bảo lòng tin cho các đồng minh Mỹ trong khu vực.

Tàu Trung Quốc (phải) hung hăng phun vòi rồng vào tàu công vụ Việt Nam ngày 3.5 - Ảnh: Cảnh sát biển VN
|
Mỹ đứng bên lề cuộc xung đột ?
Từ ngày 1.5, Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou) vào vùng biển cách đảo Lý Sơn chỉ 120 hải lý (khoảng 221 km), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN là 200 hải lý theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đi kèm là hàng chục tàu thuyền các loại, có cả tàu chiến, và máy bay uy hiếp tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam ra thực thi nhiệm vụ.
Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng dùng vòi rồng phun nước tấn công và đâm vào tàu Việt Nam làm hư hỏng nhiều tàu, một số nhân viên kiểm ngư VN bị thương.
Trang tin Oilprice.com của Mỹ ngày 8.5 đăng bài của tác giả Nick Cunningham, cây bút chuyên về các vấn đề năng lượng và môi trường, nhận định rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Theo UNCLOS, các nước có quyền công bố vùng đặc quyền kinh tế đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở ven biển. Còn giàn khoan của Trung Quốc lại nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Theo Nick Cunningham, đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc công bố trên Biển Đông đã bao trùm đến tận vùng nước của các nước trên Biển Đông, và lấy tâm từ quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Trung Quốc xem Hoàng Sa như là đảo, nhưng một số nước khác nói đó chỉ là bãi đá và do vậy không thể áp dụng UNCLOS để tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế đến 200 hải lý.
Trữ lượng dầu khí ở Biển Đông ước đạt 11 tỉ thùng và 190 tỉ feet khối khí đốt, theo EIA, khiến Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động để cưỡng chiếm Biển Đông và nguồn tài nguyên này.

Tàu Cảnh sát biển 4033 của Việt Nam đang sửa chữa tại Sơn Trà, Đà Nẵng sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào mũi và mạn tàu trên vùng biển Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Trước những căng thẳng từ vụ giàn khoan dầu khí của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, Mỹ - siêu cường tuyên bố có lợi ích trên Biển Đông và hô hào tự do hàng hải - đã có những động thái gì?
Có thể thấy Mỹ dè dặt chưa ra mặt kiên quyết lên án Trung Quốc, khi mới chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki ra tuyên bố lên án Trung Quốc "khiêu khích và không có lợi" từ vụ giàn khoan, hay tuyên bố tương tự của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, ông Daniel R. Russel. Chưa thấy cấp lãnh đạo cao hơn của Mỹ lên tiếng. Các chính khách Mỹ mới có một số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ lên tiếng mà thôi.
Có ý kiến cho rằng lãnh đạo Mỹ không lên tiếng bênh vực Việt Nam vì Việt Nam không có ký hiệp ước an ninh với Mỹ như Nhật Bản và Philippines đã làm, do vậy Mỹ không muốn bị lôi kéo vào xung đột trên Biển Đông. Thái độ của Mỹ chỉ là đề nghị các bên liên quan nên giải quyết theo luật quốc tế, còn Mỹ thì không nghiêng về bên nào cả!
Tuy nhiên với Philippines và Nhật Bản thì khác, Mỹ tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điều Ngư hay tranh cấp trên Biển Đông có liên quan các đồng minh của Mỹ, mà mới đây nhất Tổng thống Barack Obama công du châu Á đã tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh, dù người ta chưa rõ thực tế sẽ có như cam kết hay không. Nhưng điều này cũng đủ làm Trung Quốc tuy giận dữ nhưng phải e ngại.
Giải quyết theo luật quốc tế là căn cứ theo UNCLOS. Tuy nhiên cho dù chính quyền Mỹ thời Tổng thống Reagan đã giúp sức cho việc thành hình UNCLOS nhưng chính phủ Mỹ đến nay vẫn không ký vào UNCLOS. Chính vì vậy mà trong vụ giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, Mỹ chỉ có thể kêu gọi các bên tranh chấp "kiềm chế" mà thôi.
Tóm lại, theo tác giả Nick Cunningham, Mỹ đang đứng bên lề vụ xung đột này ở Biển Đông.
Mỹ sẽ phải can thiệp, dù muốn hay không
Tuy nhiên trong bài báo China's Oil Rig Gambit (Tạm dịch: Giàn khoan Trung Quốc mở đường) trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ ngày 9.5, cây bút Keith Johnson lại nhận định rằng Washington tuy nói không can dự trực tiếp vào vụ việc ở Biển Đông, nhưng không có nghĩa là tránh né nó.
Nói cách khác, xung đột trên Biển Đông có thể leo thang thành đụng độ vũ trang và Mỹ sẽ trở thành một bên tham gia cho dù họ có muốn hay không.

Mỹ sẽ phải can thiệp vào xung đột trên Biển Đông dù muốn hay không, để giữ cam kết bảo đảm an ninh với các đồng minh. Trong ảnh: Trực thăng MH-60S Sea Hawk hạ cánh xuống tàu chỉ huy của Hạm đội 7 Mỹ USS Blue Ridge (LCC 19) đang tuần tiễu trên Biển Đông ngày 3.5.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Theo Keith Johnson, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh vụ giàn khoan sẽ leo thang xung đột dẫn đến đụng độ vũ trang do hành vi gây hấn của Trung Quốc.
"Ổn định chính trị trong nước là mục tiêu quan trọng nhất khiến Trung Quốc theo đuổi chiến lược hàng hải trong khu vực", Keith Johnson trích nhận định của Peter Dutton, Viện trưởng Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ).
Tổng thống Mỹ mới đây cam kết bảo vệ Nhật Bản, Philippines khiến Trung Quốc e ngại và các vụ gây hấn ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giảm rõ rệt. Còn Việt Nam không có hiệp ước an ninh nào với Mỹ, nên đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không phải lo về việc Mỹ sẽ can thiệp để hỗ trợ Việt Nam.
Nhưng khi căng thẳng dẫn đến đụng độ vũ trang thì tác động như thế nào đến Mỹ? Tác giả Keith Johnson cho rằng trong những năm qua Mỹ luôn khẳng định việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông và thúc giục các nước giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cũng như luôn nói không đứng về phe nào trong các tranh chấp. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Mỹ né tránh can dự khi tranh chấp nổ ra trên Biển Đông.
"Đây là một thách thức thật sự đối với Mỹ. Một trong những mục tiêu trong khu vực này là Mỹ phải trấn an các đồng minh, đối tác và bạn bè. Và nếu Mỹ không tham gia vào giải quyết các tranh chấp này, thì các đồng minh, đối tác và bạn bè Mỹ sẽ đặt câu hỏi về cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ", ông Peter Dutton nhận xét.
Anh Sơn
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa
>> Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông
>> Nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc tấn công
>> Người dân TP.HCM tiếp tục tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
>> Người dân Hà Nội tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
>> Thượng nghị sĩ Mỹ ra thông cáo lên án Trung Quốc gây rối trên Biển Đông