(Tin Nóng) Tuy nói “không kiềm chế Trung Quốc”, nhưng thực sự Mỹ vẫn đang đẩy mạnh việc giám sát các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở châu Á, theo báo Time ngày 10.7.

Ba khu trục hạm thuộc Hạm đội 7 Mỹ đi tuần trên Biển Đông ngày 7.7.2014: USS John S. McCain (DDG 56), USS Kidd (DDG 100), và USS Stethem (DDG 63). Theo Hạm đội 7 Mỹ, việc tuần tra này là trách nhiệm của Hạm đội nhằm hỗ trợ an ninh và bình ổn cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Theo Time, đôi khi các ngón nghề ngoại giao buộc phải nói dối. "Hãy để tôi nhấn mạnh với các bạn ngày hôm nay: Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc", Ngoại trưởng John Kerry phát biểu như vậy ngày 9.7 tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung Quốc - Mỹ ở Bắc Kinh (từ ngày 9 - 10.7.2014).
Điều đó thật không khớp với tiêu đề một bài báo trên tờ Financial Times hôm thứ năm 10.7: Lầu Năm Góc có kế hoạch chiến thuật mới ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông. Các quan chức Mỹ nói việc gia tăng tuần tra đường không và đường biển trong khu vực này nên được xem là một phần của chính sách của Tổng thống Obama "xoay trục" về châu Á - Thái Bình Dương.
"Mỹ đã tách ra khỏi một số giới hạn để báo hiệu Trung Quốc rằng Mỹ có lợi ích trong việc ngăn ngừa sự áp đặt, và trong cố gắng để buộc phải có một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp", bà Bonnie Glaser, một chuyên gia nghiên cứu về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.
Mỹ muốn tiếp tục giữ vai trò người giám hộ chính ở tây Thái Bình Dương, vốn được thực hiện kể từ Thế chiến II. Mỹ muốn giữ nguyên trạng mọi thứ. Nhiều quốc gia trong khu vực, với lịch sử đẫm máu của họ với Trung Quốc, đánh giá cao sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Nhưng Trung Quốc đã tỏ rõ mục tiêu bành trướng, do nền kinh tế đang phát triển và tìm cách chiếm hữu các đảo nhỏ, đảo san hô và rạn san hô mà Nhật Bản, Philippines và các nước láng giềng khác tuyên bố chủ quyền. Bất kỳ một trong những bên tuyên bố chủ quyền đều có thể châm ngòi nổ dẫn đến kích hoạt chiến tranh.
Ông Thomas P.M. Barnett, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và là giám đốc chiến lược tại công ty phân tích tình báo tư nhân STRATCOM, nói rằng Mỹ cần phải gia tăng cái giá đối với những hành vi hung hăng như vậy của Trung Quốc. "Mỗi siêu cường luôn trải qua thời liều lĩnh mới lớn của mình. Bắc Kinh sẽ duy trì những hành vi thời thế kỷ 19 trong một thời gian, nhưng họ cần phải được giáo dục - cũng như bớt hống hách càng tốt - rằng những chiến thuật như vậy sẽ đi kèm với những chi phí lớn lao trong mối phụ thuộc lẫn nhau của thế kỷ 21 vốn để xác định sự toàn cầu hóa", ông Barnett nhận xét.
Chính quyền Obama đã làm cho điều này rõ ràng hơn. "Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các hành động gây mất ổn định, đơn phương khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông," Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 5.2014.
"Trung Quốc đã phong toả việc tiếp cận bãi cạn Scarborough, gây áp lực lên sự hiện diện lâu dài của Philippines tại bãi Cỏ Mây, bắt đầu các hoạt động cải tạo đất tại nhiều bãi đá, và hạ đặt giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa... Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng đe dọa, ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực để khẳng định những yêu cách chủ quyền", ông Hagel nói.

Một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters
|
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry rằng "Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc", Mỹ đã cho thấy rõ rằng họ sẵn sàng đi đến chiến tranh nhằm ngăn chặn Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Quần đảo này bao gồm năm đảo nhỏ không có người ở và ba rạn san hô cằn cỗi ở biển Hoa Đông, nhưng bao quanh là vùng ngư nghiệp phong phú và tiềm năng dầu khí.
Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản đã đánh cắp các hòn đảo của họ vào năm 1895, dựa trên các văn bản và bản đồ cổ cho thấy Senkaku là của Trung Quốc. Còn Nhật Bản cho biết quần đảo này không có ai lên tiếng đòi chủ quyền khi Nhật Bản chiếm hữu. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước khẳng định quần đảo thuộc về phía họ. Căng thẳng về quần đảo này gia tăng đều đặn, và lên đỉnh điểm vào năm 2012 sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại ba hòn đảo của quần đảo này từ một gia đình Nhật Bản.
Các quan chức Mỹ liên tục nhấn mạnh họ không có ý kiến về "chủ quyền cuối cùng" của quần đảo này. Trung Quốc cũng nhận thức được sự mơ hồ của Mỹ như vậy. Nhưng ông Hagel cuối năm 2013 cho biết Mỹ sẵn sàng đi đến chiến tranh để bảo vệ quyền kiểm soát của Tokyo với quần đảo này: "Kể từ khi chúng được Nhật Bản quản lý hành chính, thì quần đảo này cũng được đặt dưới sự bảo vệ của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ”.
Với cam kết này của Mỹ, có thể dễ dàng hiểu được cái nhìn của Bắc Kinh đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry về việc Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Một chiến hạm Trung Quốc di chuyển trên Biển Đông ngày 5.5.2014, ảnh do trực thăng MH-60 của tàu chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ, USS Blue Ridge (LCC 19) chụp khi tàu này đang tuần tiễu trên Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Tin Nóng
>> Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Nghị sĩ Mỹ: Các nước cần hợp tác tình báo, quân sự ngăn chặn Trung Quốc
>> Mỹ có thể điều tàu tuần duyên hộ tống ngư dân trên Biển Đông
>> Đối thoại Trung - Mỹ: Chủ tịch Trung Quốc nói đối đầu Mỹ - Trung là thảm họa
>> Quan chức ngoại giao Mỹ: Đường 9 đoạn của Trung Quốc 'có vấn đề
>> Học giả Mỹ so sánh năng lực quân sự Việt Nam - Trung Quốc
>> Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc nên rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Mỹ yêu cầu Trung Quốc không 'bắt nạt’ các nước nhỏ
>> Hoàng Sa 30.6: Hai máy bay trinh sát Mỹ bay ngang giàn khoan Hải Dương-981
>> Máy bay Mỹ tiếp tục xuất hiện gần giàn khoan Hải Dương-981