Vào năm 2010, Bộ Quốc phòng Philippines công bố chương trình hiện đại hóa quân đội. Từ đó đến nay, đất nước Đông Nam Á này liên tục tăng cường sức mạnh cho quân đội của mình.
Ba cuộc đấu thầu của không lực
Sở dĩ Philippines có những động thái này là do tranh chấp lãnh thổ - cụ thể là bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là bãi cạn Panatag, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) trên biển Đông với Trung Quốc.
Mới đây nhất, theo tạp chí Flightglobal, vào cuối tháng 10.2012, Bộ Quốc phòng Philippines tiết lộ, trong vòng 12 tháng tới sẽ có 3 cuộc đấu thầu để mua máy bay cho không lực của họ. Dự kiến Philippines sẽ đấu thầu mua máy bay vận tải quân sự, máy bay trực thăng đa năng và máy bay huấn luyện - chiến đấu.
Tuy nhiên, Flightglobal dẫn nguồn tin từ không lực Philippines cho biết, hiện chưa rõ số lượng cụ thể của từng loại máy bay mà nước này muốn mua là bao nhiêu.
 Tàu khu trục lớp Maestrale - Ảnh: 1.bp.blogspot.com |
Ưu tiên trước hết là Philippines sẽ đấu thầu mua máy bay huấn luyện - chiến đấu. Loại máy bay này ít nhất phải đạt đẳng cấp như chiếc F/A-50 Golden Eagle của Hàn Quốc. Nói thế không có nghĩa là Philippines sẽ mua máy bay của Hàn Quốc. Trong cuộc đấu thầu này có thể sẽ có sự tham dự của hãng Alenia Aermacchi (Ý), Rosoboronexport (Nga), BAE Systems (Anh) với 3 loại máy bay tương ứng là M-346 Master, Yak-130 và Hawk.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Philippines đang hoàn thiện các yêu cầu, nhằm đáp ứng cho kế hoạch mà theo đó vào các năm 2014 - 2015, loại máy bay huấn luyện - chiến đấu mới sẽ được trang bị cho quân đội. Loại máy bay mới này sẽ được sử dụng để huấn luyện phi công cũng như tham gia vào các hoạt động quân sự. Nó sẽ được sử dụng song song với máy bay Aermacchi S-211 Philippines đang sở hữu.
Ngoài ra, Philippines sẽ mua thêm 1 máy bay vận tải quân sự C-130, 1 máy bay vận tải quân sự hạng trung và 1 máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ. Ba chiếc máy bay này sẽ bổ sung cho đội bay hiện đang có 2 chiếc C-130H và 1 chiếc C-130B Hercules.
Bên cạnh đó, Philippines sẽ tiến hành đấu thầu nhằm sửa chữa nâng nâng cấp 21 chiếc máy bay lên thẳng UH-1. Danh mục các công việc cần thiết, các phụ tùng cần thay thế như bộ phận truyền tải, động cơ, một số chi tiết của thân máy bay đã có. Dự kiến những chiếc UH-1 đầu tiên sẽ biên chế vào quân đội nước này không muộn hơn năm 2014.
Mua nhiều tàu cho hải quân
Trước đó, vào tháng 9.2012, chính phủ Philippines đã thông qua ngân sách quốc phòng năm 2013 là 120 tỉ peso (2,9 tỉ USD). Số tiền này dự kiến sẽ mua vũ khí khí tài mới cũng như nâng cấp một số vũ khí của quân đội. Ngoài ra, quân đội Philippines sẽ bán một số tài sản nhằm tăng thêm nguồn vốn cho mình.
Với gần 3 tỉ USD trong tay, Bộ Quốc phòng Philippines dự tính trong năm 2013 sẽ nâng cấp 2 chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton (mới biên chế vào hải quân nước này năm 2011 - 2012) và 3 chiếc tàu phòng thủ lớp Peacock (biên chế từ năm 1997). Những chiếc tàu này sẽ được trang bị các thiết bị mới chống tàu ngầm và hệ thống tên lửa chống máy bay.
 F/A-50 Golden Eagle của Hàn Quốc - Ảnh: wordpress.com |
Bên cạnh đó, Philippines sẽ mua 12 chiếc máy bay trực thăng tấn công, 6 máy bay tấn công hạng nhẹ và 1 máy bay tuần tra duyên hải loại CN235. Ngân sách quốc phòng cũng dự chi cho hợp đồng Philippines - Ý để mua 2 chiếc tàu khu trục lớp Maestrale của hải quân Ý cũng như mua 12 chiếc máy bay huấn luyện - chiến đấu KAI T-50 Golden Eagle.
Bộ máy Phủ tổng thống Philippines sẽ chuyển thêm cho ngân sách quốc phòng 9,6 tỉ peso và 75 tỉ peso bổ sung thu được từ việc bán một số tài sản dư thừa của Bộ Quốc phòng.
Về việc mua 2 chiếc tàu khu trục lớp Maestrale, báo Malaya Business Insight dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - ông Voltaire Gazmin cho hay, tổng giá trị hợp đồng là 11,7 tỉ peso (gần 280 triệu USD). Theo hợp đồng hai bên dự kiến ký vào tháng 1.2013, 2 chiếc tàu khu trục được biên chế vào hải quân Ý những năm 1980 sẽ được sửa chữa, nâng cấp và chuyển giao cho Philippines vào tháng 11.2013.
Ông Voltaire Gazmin nói khu trục lớp Maestrale là chiếc tàu hiện đại nhất của hải quân Philippines. Hai chiếc tàu khu trục này sẽ được trang bị tên lửa chống tàu chiến và phòng không.
Hiện tại, hải quân Ý đang có 8 chiếc tàu khu trục lớp Maestrale là Maestral, Grekale, Libechchio, Shirokko, Alizeo, Euro, Espero và Dzeffiro, biên chế cho hải quân Ý trong giai đoạn 1982 - 1985. Chưa rõ Philippines sẽ mua loại nào trong số này.
Khu trục hạm lớp Maestral có lượng choán nước 2.500 tấn, đạt tốc độ 60 km/giờ, phạm vi hoạt động khoảng 10.000 km. Các tàu khu trục này được trang bị 4 tổ hợp tên lửa diệt hạm Teseo, tổ hợp phòng không Aspide, loại pháo hạm Otobreda 127 li, và pháo DARDO 40 li, hai thiết bị phóng ngư lôi loại 533 li và 324 li.
Bên cạnh việc mua tàu khu trục của Ý, vào tháng 5.2012, Philippines cũng sẽ mua 10 tàu tuần duyên của Nhật Bản. Ông Voltaire Gazmin cho biết các tàu này sẽ neo đậu ở phía tây Philippines. Tuy nhiên chi tiết của hợp đồng này chưa được công bố do hai bên đang trong giai đoạn tiến hành thương thảo.
Theo lời Phó đô đốc Edmund Tan, chỉ huy lực lượng bảo vệ duyên hải Philippines, việc mua tàu của Nhật phải được Cơ quan kinh tế và phát triển Philippines (NEDA) phê chuẩn. Cơ quan này sẽ chi tiền cho lực lượng bảo vệ duyên hải mua tàu của Nhật. Đáng chú ý là từ năm 1967, Nhật cấm xuất khẩu vũ khí khí tài, nhưng vào tháng 12.2011, lệnh này được nới lỏng nên Tokyo có thể đàm phán với Manila về việc mua bán vũ khí.
Chưa rõ Philippines sẽ mua loại tàu tuần duyên nào, nhưng đó sẽ là loại tàu dài 40 mét, có lượng rẽ nước là 1.000 tấn. Bộ Quốc phòng Philippines dự tính, cuối năm 2012 sẽ nhận chiếc tàu đầu tiên trong số 10 chiếc sẽ mua của Nhật.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 10.2012, Philippines công bố sẽ mua 5 tàu tuần tra của Pháp trị giá hơn 116 triệu USD, trong đó, một chiếc dài 82 mét và 4 con tàu 24 mét sẽ được bàn giao vào năm 2014.
Phát ngôn lực lượng bảo vệ duyên hải Philippines - trung tướng Armand Balilo, nói: Những con tàu lớn này có khả năng hoạt động cao và có thể triển khai được trong cả điều kiện thời tiết xấu. Đây là lần đầu tiên loại tàu lớn như vậy được trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Tuy nhiên, ông Balilo cũng cho biết việc mua tàu của Pháp không nhằm đối phó với việc tranh chấp lãnh thổ, mà vì hiện lực lượng tuần duyên Philippines mới chỉ có 9 chiếc tàu, 5 chiếc tàu mới sẽ làm nhiệm vụ trên toàn quốc đảo chứ không chỉ ở các điểm nóng.
Dù ông Balilo nói thế, nhưng hầu như việc tăng cường sức mạnh của hải quân Philippines đã được chú trọng hơn kể từ khi nước này có những tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Và đây là bước đi cần có để quốc đảo này có thêm một phương cách nhằm bảo vệ chủ quyền của mình.
Ông Vương Hoàng
>> Tàu ngầm hạt nhân: không có thì đi thuê
>> Philippines mua thêm tàu chiến
>> Tàu hộ tống tên lửa Úc thăm TP.HCM
>> Tàu cảnh sát biển hiện đại nhất Việt Nam
>> Tàu đổ bộ Mistral của Nga được trang bị trực thăng Ka-52K