Kể từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào tháng 11.2012, ông Sergei Shoigu khá quan tâm đến việc tăng cường các loại rô bốt cho lực lượng vũ trang của nước này.
Tháng 12.2012, ông Sergei Shoigu tuyên bố quân đội Nga cần phải ứng dụng các thiết bị công nghệ tự động nhiều hơn. Ngày 14.12.2012, ông Shoigu và tân Bộ trưởng Bộ Tình huống khẩn cấp Nga - Vladimir Puchkov, thăm trung tâm khắc phục những tình huống nguy hiểm 294 Lider.
Tại đây Bộ trưởng Quốc phòng Nga xem vài hệ thống tự động hóa dành cho các đội cứu hộ như El-4, El-10, hệ thống cứu hỏa điều khiển từ xa LUF-60 và rô bốt đặc nhiệm. Khi đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - Valery Gerasimov, đề nghị sử dụng những hệ thống tương tự tại Cheshnya.
Sau chuyến thăm này, các quan chức quân đội Nga bắt đầu đề cập tới việc đưa rô bốt vào quân đội Nga để tác chiến với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ý tưởng này được cả những người ngoài quân đội ủng hộ.
 Xe Transformer TX của Mỹ - Ảnh: side3.no
|
Ông Irek Khasanov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học phòng cháy chữa cháy Nga cho rằng các phương tiện kỹ thuật được trang bị cho Bộ Tình huống khẩn cấp rất hữu ích cho lực lượng vũ trang Nga. Irek Khasanov nói: “Hãy tưởng tưởng xem, một kho quân khí bị cháy, đạn dược nổ tung, con người không thể xông vào đó và khi đó chúng ta cần sử dụng rô bốt. Tuy rất hữu hiệu, nhưng các thiết bị chuyên ngành lại không hề rẻ chút nào”.
Còn nhớ vào tháng 11.2012, Bộ Tình huống khẩn cấp Nga đã chi 87,4 triệu rúp (gần 2,9 triệu USD) mua hai rô bốt cứu hộ MV-4.
Lãnh đạo các binh chủng của Nga cũng cho biết kế hoạch ứng dụng rô bốt vào lực lượng của mình. Chẳng hạn, lực lượng bộ binh bắt đầu sử dụng máy bay trinh sát không người lái, còn hải quân sẽ sử dụng các thiết bị nguyên tử tự động dưới nước.
Ý tưởng đột phá, đòi hỏi mức độ đầu tư tài chính cao như quân đội Mỹ là lực lượng lính dù đặc nhiệm Nga (VDV). Ông Vladimir Shamanov - lãnh đạo VDV - cho biết sẽ không hạn chế việc phổ biến rộng rãi máy bay không người lái - UAV, cho các quân nhân và đề nghị thiết kế các hệ thống đặc nhiệm tự động mới, kể cả các xe - rô bốt trên mặt đất có khả năng bay như máy bay. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga lại đặt hàng mua rô bốt cứu hộ những người bị thương.
Đáng chú ý là ý tưởng tăng cường rô bốt trước đây đã được các quan chức quân sự Nga đề cập khá nhiều, nhưng vì lý do thiếu tiền, hay do ông Anatoly Serdiukov, người rời khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào tháng 11.2012 không ủng hộ, nên không hiện thực hóa được. Chỉ đến khi ông Sergei Shoigu xuất hiện, thì UAV và trước đây mới được nói đến nhiều và bắt đầu có các kế hoạch cụ thể.
 Xe bọc thép BMD-4M dành cho lực lượng lính dù đặc nhiệm Nga - Ảnh: army.lv |
Vào tháng 8.2012, Vladimir Shamanov tuyên bố VDV hợp tác với Trung tâm thiết kế quốc phòng Tula (KBP Tula) để thiết kế chiếc xe bọc thép đa năng dựa trên nền tảng chiếc BMD-4M. Chiếc xe này là dạng tự hành và điều khiển từ xa được.
Việc hiện thực hóa ý tưởng không có gì phức tạp, bởi KBP Tula đã sản xuất thành công rô bốt - mô đun chiến đấu dành cho BMD-4M. Trong năm 2013, VDV sẽ nhận 5 chiếc xe loại này và năm 2014 sẽ nhận thêm 5 chiếc nữa. Dù vậy, ông Shamanov cho biết rất tiếc là KBP Tula lại không ủng hộ ý tưởng của người đứng đầu VDV.
Tuy nhiên Shamanov không từ bỏ tham vọng của mình mà còn tiến xa hơn một bước, vào ngày 29.4.2013, ông đã đến Viện Hàng không Moscow, làm việc với hội đồng khoa học của viện này để bàn thảo về chiếc xe bọc thép bay. Theo lời Shamanov đó là chiếc xe lưỡng thể “vừa là xe bọc thép hạng nhẹ, vừa là máy bay trực thăng tầm trung”. Chiếc xe của tương lai này sẽ tự bay trong không trung với khoảng cách 50 - 100 km. Nó có cánh ngắn thu lại được và có thể dùng máy bay vận tải An-124 Ruslan hoặc IL-76 “để chở sang các địa điểm khác với khoảng cách hàng nghìn km”, Shamanov nói.
“Chúng tôi đã bàn bạc với Viện trưởng Viện Hàng không Moscow về việc thành lập nhóm khoa học để xác lập các tính năng kỹ thuật, mức đầu tư và thời hạn hiện thực hóa ý tưởng chiếc xe này”, Vladimir Shamanov nói.
Vào năm 2010, một dự án tương tự mang tên Transformer TX cũng được Hãng AVX Aircraft mời chào các quan chức quân sự Mỹ. Tại Mỹ người ta không nói đến việc rô bốt hóa, mà cho biết chiếc xe địa hình này có thể bay được. Một người lính Mỹ bình luận về chiếc Transformer TX: “Xe bay - quả là tuyệt vời, nhưng tôi không muốn chui vào cái quan tài bay ấy”.
Ý tưởng của ông Shamanov gợi nhớ lại dự án xe tăng bay A-40, được trung tâm thiết kế mang tên Antonov thực hiện trong những năm 1941 - 1943 trên nền tảng chiếc tăng T-60 để dành cho du kích quân. Khi đó mới chỉ có một chiếc A-40 mẫu được sản xuất và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9.1942. Chiếc xe tăng bay này có kết cấu dựa trên máy bay ném bom TB-3 với động cơ được nâng cấp. Do khung sườn quá lớn và nặng, nên chiếc xe chỉ bay cao được 40 m. Kết cục là vào năm 1943 dự án này bị đóng lại.
Chiếc xe bọc thép bay tương lai BMD của ông Shamanov hiện mới chỉ là ý tưởng. Cũng có thể nó sẽ không được hiện thực hóa bởi ít tính khả thi và phức tạp về kết cấu. Hơn nữa, nhiều nước hiện nay đã chế tạo, sản xuất thành công các loại UAV có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến trên không.
Với trường hợp xe bọc thép bay có người lái xem ra cũng không ổn. Vì với thể hình lớn, nó sẽ là “chuột bạch” trong vòng vây của đối phương. Chưa kể do nặng nề, nên nó sẽ xoay trở chậm chạp, khó thực hiện các động tác tác chiến. Còn nếu trang bị hệ thống phòng vệ thì càng làm phức tạp hơn về mặt thiết kế và làm trọng lượng của chiếc xe tăng lên. Chiếc xe này còn đòi hỏi ê kíp lái có trình độ chuyên môn cao, không chỉ lái trên mặt đất mà còn cả trên không. Tựu trung về mặt ý tưởng thì tốt, nhưng hiện thực hóa nó phải giải quyết hàng loạt vấn đề.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga hiện bắt đầu thiết kế rô bốt mới làm nhiệm vụ tìm kiếm và di chuyển các thương bệnh binh trong các trường hợp khẩn cấp. Rô bốt mới này phải tự di chuyển và mang được thương binh ra khỏi vùng chiến sự. Nó có thể di chuyển trên nhiều địa hình, kể cả vượt chướng ngại vật hay leo cầu thang. Không những thế rô bốt còn phải biết ứng xử tốt với các thương binh, chọn các tư thế phù hợp để chở họ.
Vào trung tuần tháng 2.2013, Bộ Quốc phòng Nga còn khởi động cuộc thi thiết kế một loại thiết bị tự động cầm máu dưới cốt hiệu Pchela. Vào tháng 3.2013, cuộc thi đành phải hủy bỏ vì chỉ có một đơn vị đăng ký tham gia. Theo ý tưởng của các chuyên gia quân sự, Pchela sẽ tự động tìm kiếm, phát hiện chỗ bị thương và sau đó sẽ tìm cách xử lý để máu không chảy nữa. Đây là ý tưởng rất tốt, không chỉ dành cho quân đội mà trong lĩnh vực dân dụng cũng có thể ứng dụng được.
Tất cả các loại rô bốt đang được Nga thiết kế, hay nước ngoài sản xuất thành công là một phần không thể thiếu của quân đội hiện nay. Chúng giúp làm giảm nhẹ nhiệm vụ cho các quân nhân trong vùng chiến sự. Thậm chí, có vài loại rô bốt còn tác chiến tốt hơn con người.
Tuy nhiên từ ý tưởng đến hiện thực hóa lại là cả một chặng đường dài. Nó không chỉ phụ thuộc vào nguồn đầu tư tài chính, đội ngũ kỹ sư bậc cao mà còn nhiều yếu tố khác.
Ông Vương Hoàng
>> Nga sẽ sản xuất xe bọc thép bay
>> Mỹ cho không hàng nghìn xe bọc thép MRAP
>> Campuchia mua thêm xe tăng, xe bọc thép
>> Năm 2014, quân đội Nga sẽ có tăng… cao su
>> Loay hoay chọn “Chiến mã bọc giáp” của quân đội Nga