Người ta toàn phê phán ông chồng lập quỹ đen quỹ đỏ, ít ai nói đến quỹ đen của các bà vợ! Có hay không quỹ đen này?
Mấy anh bạn đồng nghiệp của tôi cả cười, này nhé, lương thưởng của vợ thuộc loại bí mật không nói ra không ai biết; thẻ ATM của chồng vợ giữ, sổ tiết kiệm lớn bé đều do vợ đứng tên; chi tiêu hằng ngày vợ lo, có sắm sanh thứ gì lớn tiền một chút vợ hỏi ý chồng nhưng rồi cũng là nàng quyết... Thế thì nói đến quỹ đen của vợ làm chi cho... tội nàng.
Lại nữa, thử hỏi ai theo sát được các nàng từng buổi chợ, từng bữa đi siêu thị, từng chuyện chi tiêu lẻ tẻ không tên khác... Ai lo được những việc đối nội đối ngoại mà toàn những thứ phải chi ra.
 Minh họa: Văn Nguyễn |
Thương còn không hết, góp bao nhiêu còn không đủ, nói chi đến chuyện trách nàng để riêng một khoản tiền... đứng tên mẹ nàng, hay mua chung với cô em gái một mảnh đất mà chồng không bao giờ biết địa chỉ. Thế nhưng thực tế là, nhiều ông chồng vốn vô tư, bỗng dưng một ngày thẫn thờ, ngạc nhiên, rồi đùng đùng cơn giận khi phát hiện ra quỹ đen của vợ.
Một anh bạn của tôi kể lại, anh vốn là người chồng kiểu mẫu “lương đưa đủ tối ngủ nhà”, không bao giờ quan tâm vợ để dành được bao nhiêu tiền.
Chỉ thấy sau mỗi dịp lễ tết anh đưa cục tiền thưởng to đùng, vợ lại khoe ra mấy cuốn sổ tiết kiệm, giọng rất ngọt ngào: “Mình để được bằng này, bằng này... rồi anh yêu”. Mỗi lúc như thế, anh chỉ cười khen vợ giỏi, cũng chẳng nhớ số tiền là bao nhiêu. Anh từng thổ lộ rằng, “lỡ” có ly hôn, anh để cho em hưởng hết nhà cửa, tài sản, chỉ ra đi tay trắng. Đàn ông mà, tranh chấp chi với phụ nữ, vả lại là đấng nam nhi kiểu gì chẳng sống được.
Nói tóm lại, vợ anh toàn quyền trong chuyện quản lý tiền nong của gia đình. Lần đó, khi anh định hùn hạp làm ăn một phi vụ lớn, cần tiền nhiều, bàn với vợ, vợ nhiệt tình nói sẽ vét hết tiền dành dụm đưa anh (tất nhiên anh hứa sau một thời gian sẽ “hoàn trả” cả gốc và lãi khủng).
“Nhưng nhà mình chỉ có bằng này, còn đây là tiền em vay của mẹ em”, vợ giải thích về 1/3 số tiền đưa anh, và nhấn mạnh “tiền của mẹ phải trả trước, tiền của vợ chồng mình thì đầu tư bao lâu cũng được”. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu anh không vô tình nghe được cuộc điện thoại của mẹ vợ, và biết rằng 1/3 số tiền đó chẳng phải của bà, mà chính là tiền riêng của vợ anh.
“Tất nhiên tớ phải đặt câu hỏi, tiền riêng để làm gì khi tiền chung cũng vẫn là cô ấy quản lý, tớ đâu có cấm đoán cô ấy chi tiêu...”, anh bạn thắc mắc và đưa ra vô số dự đoán... mà cái nào cũng tệ. Nào là không thật lòng với chồng; nào là nghi án bồ bịch; âm mưu mờ ám... Hóa ra sự “minh bạch” nàng tỏ ra trước đây chỉ là cái vỏ bọc của sự dối trá, ích kỷ... Thật khó cãi.
May mà vợ anh bạn tôi vô tình được một chuyên gia tư vấn bào chữa giùm. Cái gọi là quỹ đen của những cô vợ luôn một lòng yêu chồng thương con, hết lòng vì gia đình đôi khi có một cái lý khá tế nhị sâu xa, đó là một kiểu tính toán rất đàn bà, một cách phòng xa... tít tắp (lo chồng chẳng may bị gái trẻ đẹp hút hồn, hút... ví; hoặc tránh để chồng ỷ lại, tiền nhiều lại bớt phấn đấu). Thêm nữa, dù tiền nào cũng là tiền, nhưng quỹ đen là cách để các nàng “tự sướng” một tí chứ chẳng phải để ăn tiêu cho bản thân, mà nhà cửa có việc gì họ cũng dốc lòng, dốc túi lo toan...
Anh bạn yêu vợ, hiểu vợ rồi cũng đã cố quên cái phát hiện tình cờ của mình, tự nhủ hãy nhìn vào con người thật vốn luôn tốt đẹp của vợ mà sống, nhưng anh vẫn chậc lưỡi: “Đã giấu thì giấu cho... kỹ, để tớ biết làm chi cho bực”.
Hạ Minh